Về xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên), đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Thanh, một trong những hộ nông dân có kinh nghiệm sản xuất, chế biến chè Đông của xóm Khuôn II, chúng tôi được ông giới thiệu về quy trình làm chè vụ Đông, như việc chăm bón, sử dụng phân vi sinh, sử dụng thuốc thảo mộc sinh học và đặc biệt là việc đầu tư xây dựng hệ thống tưới nước cho chè…
Bên ấm chè đặc sánh, câu chuyện giữa chủ và khách ngày càng trở nên hào hứng, hết chuyện chè chính vụ lại sang làm chè Đông. Cả chuyện chè bán cho Việt Kiều sinh sống bên Mỹ, Pháp, Canada… hay như chuyện mấy chị đi làm ô sin bên Đài Loan, khi trở về cũng tìm đường vào đây xin đi hái chè thuê với giá tiền công 70.000 đồng/ngày.
Ông Ngô Văn Duyên, một trong những công dân của xóm có thâm niên hơn 40 năm làm chè cho biết: Cuộc đời tôi gắn bó với cây chè từ tấm bé, song ít năm trước đây, giao thông khó khăn nên vùng chè Khuôn II trở nên… xa xôi, đời sống của người dân cũng bởi vậy mà khó khăn, thiếu thốn. Nhờ có chính sách đổi mới của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước, vùng chè Khuôn II đã ngày một thay da đổi thịt, nhất là từ khi bà con biết làm chè vụ Đông thì đời sống của mỗi gia đình càng khá giả hơn.
…Từ hơn mười năm nay, bắt đầu vào tháng Mười hàng năm là nông dân xóm Khuôn II bắt tay vào làm chè Đông. Trò chuyện với các bác nông dân vùng chè, chúng tôi còn được biết: So với chính vụ, chè vụ Đông có năng suất chỉ bằng 2/3, nhưng sản phẩm có chất lượng cao hơn, giá bán cũng cao hơn chè chính vụ. Ông Nguyễn Văn Tiến, cư dân của xóm Khuôn II cho biết thêm: Năm ngoái, “đỉnh điểm về giá”, tức là dịp áp Tết nguyên đán, chè bán được gần 500.000 đồng/kg, trong khi chè chính vụ chỉ bán được từ 100.000 đến 150.000 đồng/kg… Một thông tin thời sự bất ngờ nhất làng chè Khuôn II lúc này là hầu hết các hộ trong xóm không còn chè bán. Vì trước đó tư thương đã đến từng nhà thu mua chè mang về Hà Nội bán cho du khách trong, ngoài nước về Thủ đô dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đầu Đông, khi sương muối bắt đầu giăng như chiếc mùng trắng xuống một vùng chè, thì những chiếc vòi nước cũng bắt đầu phun tưới để chè không bị sương muối làm ảnh hưởng tới năng suất. Ông Mai Nhất Khánh, Trưởng xóm Khuôn II cho biết: Xóm có hơn 80 hộ, 350 nhân khẩu, với hơn 30 ha chè thâm canh, trong đó có khoảng 50% diện tích là chè cành giống mới, như: TRI 777, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên… với năng suất đạt khoảng 100 tạ búp tươi/ha. Để tăng thu nhập, 100% số hộ của xóm đã đầu tư làm chè vụ Đông, nhiều hộ nhờ đó mà mua được xe máy, xây được nhà.
Sản phẩm chè Đông bán được giá hơn rất nhiều so với chè chính vụ. Nhưng để có được sản phẩm đạt chất lượng như mong muốn, kể từ hương thơm, vị đượm cũng như mẫu mã… thì người nông dân phải bươn trải nhiều hơn với sương lạnh, cùng với đó là phải đầu tư vốn nhiều hơn cho hệ thống bơm nước tưới chè. Ngay như gia đình ông Trưởng xóm Mai Văn Khánh, đồi bãi của nhà trồng được 14 sào chè, ông dành 7 sào làm chè vụ Đông. Ông bảo: Trông thế thôi chứ cũng vất vả lắm. Bởi mùa Đông đi hái chè phải chịu ướt lượt sượt, lạnh. Song vì cuộc sống mình phải cố gắng…
Nhìn hệ thống đường ống dài hơn 120 mét của gia đình ông Khánh được xây dựng để bắt nước từ dòng kênh hồ Núi Cốc về tưới chè, tôi có cảm nhận trong mỗi chén chè mình uống như có cả vị mồ hôi của người nông dân. Để hệ thống ống dẫn nước tưới chè không bị dập vỡ, nhiều hộ còn chủ động xây dựng hệ thống ống dẫn chính sâu trong lòng đất khoảng 20 đến 40cm, sau đó mở hệ thống đường ống nhỏ chia nước đến các rạch chè. Trong xóm, 100% số hộ đều đầu tư mua máy bơm và lắp đặt đường ống dẫn nước tưới để làm chè vụ Đông. Chính vì thế mà đời sống của người dân xóm Khuôn II ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đến nay, 100% số hộ xây được nhà, gần 100% số hộ có xe máy, ti vi và tham gia đóng góp cùng Nhà nước xây dựng được nhà văn hoá xóm làm nơi hội họp.
Trên trục đường bê tông của xóm, bà Tạ Thị Lưu đèo sau xe bao chè tươi mới hái hồi chiều còn nồng mùi búp lá. Bà cho chúng tôi biết: Đây là lứa chè “đầu tay” của vụ Đông năm nay mà gia đình được thu hoạch. So với vụ chè Đông năm trước, vụ này chè tốt hơn hẳn, hồi chiều tư thương vào đặt mua với giá 250 nghìn đồng/kg búp khô.
Nghe chuyện, chúng tôi như được vui lây với niềm vui của người dân vùng chè.