Tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao, xuất khẩu nhiều mặt hàng bứt phá, có khả năng về đích trước 1 tháng…
Tổng Cục thống kê (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), cho biết, 9 tháng qua, tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,52%, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,83%, quý II tăng 6,40%, quý III tăng khoảng 7,16%).
Mặc dù chịu ảnh hưởng của hạn hán và bão lũ song sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển khá ổn định, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; dịch bệnh được kiểm soát.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 9/2010, với giá trị đạt gần 574.000 tỷ đồng, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng 13,8%, gấp hơn hai lần cùng kỳ năm trước (cùng kỳ đạt 6,5%), cao hơn so với kế hoạch cả năm (12%). Khu vực này được đánh giá là ngành có tốc độc tăng trưởng khá nhất.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất (89,4%) về giá trị sản xuất là ngành quyết định tới tốc độ tăng chung của toàn ngành công nghiệp, đạt tốc độ tăng 14,7% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm trước là hơn 6% và là ngành có tốc độ hồi phục nhanh nhất trong năm 2010 sau giai đoạn khủng hoảng.
Nhiều sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành, điển hình như khí hóa lỏng, sữa bột, giày thể thao, kính thủy tinh, xe tải, sơn hóa học, ximăng… có mức tăng từ 16,4-121,2%.
Không chỉ đạt mức tăng khá về sản xuất, khu vực này cũng đạt tiêu thụ tăng ở mức cao (10,7%).
Ông Nguyễn Thành Biên- Thứ trưởng Bộ Công Thương trong cuộc giao ban xuất khẩu chiều 1/10 cho biết: Đóng góp cho tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng qua của khu vực này chiếm tới 2/3 tổng giá trị xuất khẩu cả nước, đạt 35 tỷ USD và tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước.
Để giữ vững đà tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp ba tháng cuối năm, theo các chuyên gia kinh tế nhất thiết cần tập trung đẩy mạnh sản xuất các nhóm hàng có khả năng tiêu thụ mạnh để đáp ứng cân đối cung-cầu với giá cả ổn định, bảo đảm cả năm 2010 tăng trưởng sản xuất công nghiệp và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu vượt mức kế hoạch.
Theo ông Nguyễn Thành Biên, tính đến hết tháng 9, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 51,5 tỷ USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, riêng tháng 9, kim ngạch xuất khẩu đạt 6,1 tỷ USD.
9 tháng, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 23,6 tỷ USD, tăng 40,1% so với cùng kỳ năm 2009.
Đóng góp vào kết quả kể trên, 23/26 mặt hàng xuất khẩu đã có sự tăng trưởng khá trong 9 tháng. Trong đó, có tới 6 mặt hàng đạt mức tăng trưởng trên 50%, tăng cao nhất là hóa chất với 199,7%, sắt thép 193% so với cùng kỳ.
Đến thời điểm này, đã có 13 mặt hàng kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD. Dẫn đầu là dệt may với gần 8,04 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ.
Ông Lê Văn Đạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong 3 tháng liên tiếp vừa qua, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đều vượt 1 tỷ USD và có khả năng đạt mục tiêu 10,5 tỷ USD kim ngạch của năm nay vào tháng 11.
“Đáng chú ý, tăng trưởng xuất khẩu dệt may được đánh giá là rất có chất lượng khi đạt được trong bối cảnh không được đầu tư nhiều, lao động không tăng…”- ông Đạo nói.
Cũng theo ông Đạo, hiện các doanh nghiệp dệt may đều đã có đơn hàng đến hết năm, thậm chí đến cả đầu năm 2011. Ngoại trừ thị trường EU phục hồi chậm, tăng trưởng thấp, còn lại các thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật đều đạt tăng trưởng cao, gia tăng thị phần xuất khẩu.
Đặc biệt, nhờ tác động của Hiệp định tự do Thương mại giữa ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc mà xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào các thị trường này tăng cao, trong đó thị trường Hàn Quốc tăng trưởng 80%, Nhật 15%.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu nông, lâm và thủy sản tháng 9 ước đạt 1,75 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của toàn ngành lên mức 13,93 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2009.
Nông sản có 5 đại diện trong nhóm xuất khẩu vượt 1 tỷ USD, bao gồm thủy sản, cà phê, gạo, cao su và gỗ. Trong đó đáng chú ý là sự bứt phá của gạo với 5,6 triệu tấn xuất khẩu, đạt kim ngạch 2,59 tỷ USD, tăng 12,3% về lượng và 15,2% về giá trị so với cùng kỳ.
Giá gạo xuất khẩu tháng này dù đã giảm nhẹ so với tháng trước, tuy nhiên giá bình quân 8 tháng đầu năm ở mức 470 USD/tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã xấp xỉ giá của nước xuất khẩu lớn nhất là Thái Lan.
Tuy nhiên, cao su lại là mặt hàng xuất khẩu được giá nhất. Trong 9 tháng, xuất khẩu mặt hàng này đạt 531.000 tấn với trị giá 1,45 tỷ USD, chỉ tăng 10,9 % về lượng nhưng giá trị gấp tới 2 lần so cùng kỳ. Giá cao su xuất khẩu trung bình 8 tháng đạt 2.731 USD/tấn tăng 85,9 % so với cùng kỳ.
Riêng với thuỷ sản, giá trị xuất khẩu thuỷ sản 9 tháng đầu năm đạt 3,5 tỷ USD, là nhóm có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu ngành nông nghiệp và đứng thứ 3 trong các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất cả nước, chỉ sau dệt may và dầu thô.
Xuất khẩu lâm sản vẫn trương đối khả quan. Kim ngạch xuất khẩu lâm sản chính tháng 9 ước đạt 320 triệu USD, lũy kế 9 tháng đạt 2,6 tỷ USD, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 2,43 tỷ USD, tăng tới 37,7%; sản phẩm mây tre, cói thảm ước đạt 153 triệu USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng xuất khẩu cà phê vẫn đối mặt không ít khó khăn. Dù 9 tháng đầu năm, mặt hàng này đã đạt 925.000 tấn xuất khẩu với giá trị kim ngacgh 1,32 tỷ USD, tăng 4,2 % về lượng và 0,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, cà phê Việt Nam vẫn bị các nhà nhập khẩu gây khó dễ như chậm trả tiền, tự thay đổi ngày chốt giá…
Các mặt hàng khoáng sản như than đá, dầu thô cũng có sự suy giảm mạnh về lượng xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu than đá 9 tháng mới đạt gần 14,7 triệu tấn, tương đương khoảng 1,16 tỷ USD, giảm 17% về lượng nhưng tăng 16,2% về giá trị; dầu thô xuất khẩu đạt gần 6,08 triệu tấn, thu về 3,67 tỷ USD, giảm 44,3% về lượng và giảm 22,2% về kim ngạch.
Kim ngạch xuất khẩu nhập khẩu sẽ về đích trước 1 tháng
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, nhập khẩu tháng 9 ước đạt 7,15 tỷ USD, bằng 98,6% so với tháng 8 năm 2010. Tính chung kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đạt 60,08 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 25,7 tỷ USD, tăng 42,4%.
Đối với nhập khẩu, cũng đã có 13 mặt hàng vượt kim ngạch 1 tỷ USD. Dẫn đầu là máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng với kim ngạch 9,69 tỷ USD. Tiếp đến là xăng dầu đạt 4,87 tỷ USD; sắt thép 4,22 tỷ USD; vải 3,84 tỷ USD; điện tử, máy tính và linh kiện 3,51 tỷ USD…
Ước nhập siêu tháng 9 là 1,05 tỷ USD. Như vậy, trong 9 tháng, tổng nhập siêu lên tới 8,6 tỷ USD, chiếm 16,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo dõi tình hình xuất nhập phẩu từ đầu năm tới nay cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu đang phục hồi mạnh mẽ. Nếu như hết quý 1/2010, kim ngạch xuất khẩu mới tăng 1,6% so với cùng kỳ; 6 tháng tương ứng tăng 17%; thì đến nay, ước tính tốc độ tăng kim ngạch đã gấp hơn 3 lần so với kế hoạch đề ra.
Áp vào chỉ tiêu kế hoạch cả năm, nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu năm nay sẽ về đích trước khoảng 1 tháng (so với 60 tỷ USD và 73,6 tỷ USD).
Mục tiêu Chính phủ giao cho ngành Công Thương, nhập siêu không quá 20% so với kim ngạch xuất khẩu rất có khả năng hoàn thành.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương vẫn yêu cầu các đơn vị trong ngành tiếp tục thúc đẩy sản xuất để đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và khối lượng hàng hoá cho xuất khẩu.
Đồng thời, cần tập trung đẩy mạnh hoạt động đầu tư và giải ngân các dự án của các doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị hoàn thành để một mặt, tăng thêm năng lực sản xuất mới, mặt khác với nhiều dự án mới hoàn thành, chúng ta sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, hàng hoá sản xuất trong nước để giám bớt áp lực phụ thuộc vào nhập khẩu.
Ngoài ra, các ngành tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án đã được tập trung vốn để hoàn thành đưa vào hoạt động năm 2010, nhất là các công trình nguồn điện, lưới điện, các dự án tăng cường năng lực sản xuất hàng xuất khẩu./.