Làm giàu từ trồng rau trái vụ

08:37, 13/10/2010

Nhìn cơ ngơi khang trang, bề thế của vợ chồng ông bà Đỗ Thị Dung và Đào Văn Thanh ở xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) bất cứ ai cũng phải trầm trồ thán phục, đó là thành quả của nhiều năm liên tục ông bà chuyển đổi từ đất lúa sang trồng rau, đặc biệt là rau trái vụ.

 

Khi chúng tôi đến bà Dung đang nhổ cỏ cho luống cần tây xanh mướt ngoài vườn. Đưa tay lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt đỏ gay vì nắng, bà chia sẻ những khó khăn của việc trồng rau trái vụ. “Cái khó nhất là thời tiết, rau trồng không đúng vụ chăm sóc vất vả lắm. Được cái giá bán của những lứa rau trái vụ cao hơn nhiều so với rau trồng chính vụ”. Phóng tầm mắt theo tay bà chỉ, thấy một màu xanh non của chừng hơn 4 sào cần tây đang chuẩn bị cho thu hoạch. Nếu chính vụ mỗi lứa cần tây mất khoảng 35 ngày thì khi trồng trái vụ mỗi lứa sẽ  kéo dài thêm từ 10 đến 15 ngày. Nhưng đổi lại giá cần tây khi chính vụ thường dao động từ 7 đến 10 nghìn đồng/kg, thì ở thời điểm này bà bán được với giá từ 28 đến 30 nghìn đồng/kg. Mỗi sào cần tây sẽ cho thu nhập trung bình khoảng 20 triệu đồng. Ngoài ra, ông bà còn trồng 1,8 mẫu rau các loại như: bí xanh, su su, rau thì là, hành... Trong đó có gần 2 sào rau cải bắp tím. Nhờ trồng sớm, ông bà dự tính khi thu hoạch mỗi sào cải bắp tím cũng sẽ mang về cho gia đình từ 17 đến 20 triệu đồng. Ngoài các loại rau kể trên trong vườn còn có đủ các loại cây con giống như su hào, bắp cải, súp lơ, hành... một phần cây giống để trồng nhân rộng, phần còn lại ông bà để cung cấp cho những hộ gia đình trong xóm khi họ có nhu cầu.

 

Xóm Ngọc Lâm hiện có khoảng hơn 200 trăm hộ trồng rau nhưng những người trồng với diện tích lớn, nắm được kỹ thuật và thành công với rau trồng trái vụ không nhiều. Khi được hỏi bí quyết thành công của mình, bà cười: “Tại tôi hay làm liều thôi”. Cái liều của bà là luôn đi tiên phong trong việc đưa các giống mới, thử nghiệm các loại phân bón mới trên vườn ruộng. Hơn 20 năm kinh nghiệm làm rau trái vụ, bình quân mỗi năm trừ hết chi phí gia đình bà thu về cho từ 80 đến 100 triệu đồng.

 

Vào vụ thu hoạch, lượng rau tiêu thụ một ngày là khá lớn, nhưng chỉ cần chuyển rau sang chợ là có thể cân buôn được hết vì gia đình bà luôn có uy tín về chất lượng. Một ngày bình thường của vợ chồng bà Dung thường bắt đầu từ lúc 2 giờ sáng, khi mà nhiều người vẫn đang ngon giấc, ông bà đã dậy để chở rau đi chợ bán. Có ngày cao điểm một buổi sáng ông bà bán được 8 triệu đồng tiền rau, còn trung bình là khoảng 2 đến 3 triệu đồng. Để có được những luống rau trái vụ tươi tốt, có giá trị kinh tế cao như vậy đòi hỏi người trồng rau phải mất nhiều công chăm sóc. Bà Dung cho biết: “Chỉ cần mưa 2 ngày liền, khi tạnh nắng nếu không chú ý, rau rất dễ bị thối gốc hoặc bị táp lá. Đặc biệt phải chú ý để phun thuốc chống sương kịp thời và các loại sâu hại rau khác như kiến, mối, ốc sên....”. Quan sát phía trên vườn rau cần tây là một dàn bằng tre lứa được bắc, buộc rất chắc chắn. Đây vốn là giàn mướp đắng, lúc vừa thu hoạch mướp đắng xong bà tận dụng bóng mát của giàn để che cho cần tây mới trồng bên dưới như vậy có thể tận dụng được giàn mướp phía trên thay lưới, giảm chi phí. Cẩn thận là thế nhưng không phải lúc nào bà cũng thành công. Năm 2002, thấy người ta nói có hạt giống ngó tỏi rất đảm bảo, bà liền đi mua về gieo, đến khi mọc thì hoá ra lại là củ kiệu.

 

Từ lúc chúng tôi đến, ông Thanh vẫn đang xem xét chiếc máy gặt đập liên hoàn mới mua trị giá hơn một trăm triệu đồng. Tôi hỏi ông: “Ông bà trồng nhiều rau như vậy rồi mua thêm máy gặt thì làm vào lúc nào nữa?”. Ông hồ hởi: “Mua cho con cháu nó làm thôi vì cả khu này chưa ai có loại máy này cả. Nhà tôi vụ này cấy một mẫu rưỡi. Gặt bằng máy nhàn lắm, thạo việc thì chỉ mất 10 phút/sào”.