Lâu nay, tôi không đặt nhiều niềm tin vào thành công của các dự án, vì thực tế cho thấy, triển khai dự án được đã khó, nhưng để dự án đó phát triển bền vững khi không còn hỗ trợ, càng là điều khó hơn. Nhưng, dự án “Chọn lọc, cải tạo và phát triển đàn trâu huyện Phổ Yên” lại khác. Mặc dù đã kết thúc gần 1 năm, nhưng những “chú” trâu dự án đang sinh sôi rất mạnh và người nông dân vùng dự án đã thực sự bị thuyết phục.
Cận cảnh người nuôi trâu
Trên đường vào xã Phúc Thuận (Phổ Yên), kỹ sư Trần Tuấn Sang, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện vừa lựa tay điều khiển xe máy vừa say sưa nói với tôi về ý tưởng cải tạo đàn trâu “còi” của tỉnh. - Nếu có khoảng 5 tỷ đồng, trong 5 năm, sẽ cải tạo được cả đàn trâu - anh Sang nói. Niềm tin và hứng khởi này của anh có lý do: 3 năm qua, anh và các thành viên Ban Chủ nhiệm dự án "“Chọn lọc, cải tạo và phát triển đàn trâu huyện Phổ Yên” đã rút ra nhiều kinh nghiệm quan trọng, để đến bây giờ có thể khẳng định: Dự án đã thành công.
Vượt qua con suối, chúng tôi đến bãi chăn thả trâu của xóm Hu. Đây là nơi chăn thả gia súc của hầu hết các hộ dân các xóm: Trãng, Hu, Coong Lẹng, Quân Cay… của xã Phúc Thuận
- Kia là đàn trâu nhà ông Tần. Kia là trâu của ông Lý, ông Trường, ông Lợi… Anh Sang giới thiệu. Tôi dễ dàng nhận ngay ra các chú trâu ngoại F2 đang gặm cỏ hiền lành cùng những chú trâu “ta” trong đàn, bởi vóc dáng to cao vượt trội, da đen bóng và cặp sừng vòng cung nhọn hoắt.
Chúng tôi đến nhà chị Liễu Thị Xìn (dân tộc Sán Dìu) xóm Quân Cay, một trong những hộ gia đình có trang trại trâu lớn nhất của xã. Chị Xìn chỉ chiếc ô tô tải vừa chạy qua ngõ giới thiệu: - nhà tôi bán 7 con trâu mua được chiếc xe tải kia cho con trai chở thuê đấy. Nhà có sẵn 22 con trâu “ta”- chị Xìn kể - năm 2007, dự án đưa đến 1 “chú” Muhhra, đến giờ chúng tôi đã có thêm 12 con lai. Chả nói thì ai cũng thấy trâu lai hơn trâu ta: Trâu trưởng thành nặng gấp đôi trâu ta. Kéo cày cũng vậy, cánh đồng trâu ta làm 1 ngày, ‘nó” chạy phăm phăm nửa buổi là xong.
Thấy có anh “dự án” đến, mấy chị hàng xóm của chị Xìn sang than thở: sao trâu nhà em cho chăn cùng “anh” Muhhra suốt mà không được con nghé nào. Ước gì nhà em cũng được một con lai?
Chị Lục Minh Lý (dân tộc Sán Dìu) xuýt xoa mãi khi kể chuyện nhà chị vừa để mất một chú nghé Muhhra: Con mẹ đẻ khó ở trong rừng, lúc mọi người biết chạy đến thì đã chết cả mẹ cả con. Mổ ra thấy con nghé màu đen nhánh mà tiếc đứt ruột. Đàn trâu nhà chị Lý cũng được lấy giống từ 3 năm về trước, đến giờ được 6 chú “lai”. - Trâu lai bán dễ lắm, chỉ cần đánh tiếng là ngồi nhà nghe điện thoại suốt ngày, giá bán trâu lai khoảng 15 triệu đồng, gần gấp đôi trâu ta.
Ở Phúc Thuận này, còn phải kể đến nhà chị Ôn Thị Hồng, một trong những hộ mát tay chăn nuôi. Chị bảo: Tôi nuôi dông dài có…. 40 con trâu thôi. Theo dự án, chúng tôi chỉ có được, không có mất. Chúng tôi được tập huấn, đi tham quan, hướng dẫn cách phòng chống bệnh cho trâu, cách trồng cỏ… hiệu quả thì ai cũng thấy rõ rồi.
Những bước đi bài bản
Ngược thời gian, năm 2007, trong một cuộc họp tại UBND huyện, ông Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận bày tỏ: Xã chúng tôi dồi dào cỏ cây vườn rừng nhưng chăn nuôi chưa phát triển… Trăn trở này bắt trúng “mạch” của cán bộ Trạm Khuyến nông huyện: Tận dụng lợi thế của địa phương, cải tạo dần đàn trâu “cỏ” địa phương.
Chị Nguyễn Thị Chín, Trưởng Trạm - Chủ nhiệm đề tài khái quát tình hình đàn trâu lúc đó ở Phổ Yên: Cả huyện có khoảng hơn 13 nghìn con, tầm vóc nhỏ, sức sản xuất thấp, sinh sản chậm, tỷ lệ chết cao. … Bởi thế, chúng tôi sẽ sử dụng trâu đực giống Muhhra F1 (nguồn gốc từ Ấn Độ) lai với trâu cái địa phương đã qua lựa chọn để tạo ra con lai có thể chất, khả năng sinh sản tốt, cho chất lượng thịt, sức cày kéo cao, đồng thời nâng cao chất lượng con giống địa phương. Tổng kinh phí của dự án là hơn 4 tỷ đồng, trong đó nông dân đối ứng hơn 3,9 tỷ, vốn Nhà nước chỉ có gần 260 triệu đồng.
Bắt tay vào thực hiện dự án, các kỹ sư của Trạm đã tuyển chọn nhiều vòng được 290 con, trong đó có 10 con trâu đực và 280 trâu cái của 5 xóm thuộc xã Phúc Thuận. Các hộ tham gia dự án được tập huấn, tham quan mô hình, hướng dẫn xây dựng trang trại, trồng cỏ, cách ủ thức ăn bằng nguyên liệu sẵn có…. Rồi 4 “chú” Murrha F1 từ 12 đến 18 tháng tuổi được đưa về vào cuối năm 2007 cho phối với trâu cái đã chọn, đến tháng 9-2009, số nghé Murrha F2 sinh ra là 83 con, vượt 13% kế hoạch dự án đề ra. Vừa ra đời, trọng lượng nghé “lai” đã nặng hơn so với nghé bản địa từ 4-7kg, tỷ lệ sống sau 6 tháng đạt 100%. Đến 12 tháng tuổi, nghé Murrha F2 đã có khối lượng gấp 2 lần nghé nội.
Hiệu quả của dự án mang lại đã quá rõ ràng, sau 3 năm (2007 đến 2009), ở xã đa số là đồng bào dân tộc Sán Dìu này, đàn trâu không chỉ tăng về số lượng mà còn tăng được 6 trang trại quy mô từ 5 - 10 con trâu cái sinh sản, tăng 3 trang trại quy mô trên 10 trâu cái sinh sản, số lượng thức ăn dự trữ tăng 130%, diện tích cỏ tăng 400%. Điều này khẳng định dự án đã có tác động làm thay đổi nhận thức, nâng cao kỹ thuật cho người chăn nuôi trâu, đưa con trâu từ vị trí chỉ để cày kéo là chính trở thành con vật nuôi dùng để xoá nghèo và làm giàu. Riêng xã Phúc Thuận, tổng đàn trâu năm 2009 là 2.252 con, tăng 17,2 % so với năm 2007.
Vẫn còn băn khoăn
Con trâu Muhhra đã thuyết phục hoàn toàn được người nông dân vùng dự án và đang được nhân đàn mạnh bởi ưu thế vượt trội của nó. Thế nhưng, nguồn thức ăn và bãi chăn thả hiện nay đang là một trở ngại đối với người chăn nuôi.
- Trước đây chúng tôi thả trâu sang Động (một địa danh thuộc xã Thành Công giáp ranh), nhưng nay bên ấy họ trồng rừng rồi, trâu sang là họ bắt xỏ sẹo rồi bắt phạt. Nhà tôi đã bị phạt 2 lần mất 4 triệu đồng - Chị Lục Minh Lý cho biết.
Hầu hết các hộ chăn nuôi đều bày tỏ lo ngại này. Trâu thả cách nhà khoảng 1km, khối tài sản đó lang thang trong rừng, có thể bị bắt, rắn cắn, đá rơi, gặp rủi ro bất cứ lúc nào.
Người chăn nuôi ở đây còn ỷ vào vườn đồi rộng mà xem nhẹ việc trồng cỏ, quy hoạch vùng nguyên liệu. Nếu cứ đà phát triển của đàn trâu như hiện nay thì chẳng mất chốc những cánh rừng xa cũng không còn đủ cỏ cho trâu ăn và rủi ro cho người chăn nuôi là rất lớn.