Mạnh dạn tìm cách làm giàu

14:22, 27/10/2010

Trò chuyện với các hội viên cựu chiến binh (CCB) huyện Phú Lương về cách trồng cây gì, nuôi con gì để làm giàu cho gia đình và quê hương, tôi cảm nhận rõ trong họ ngọn lửa sức mạnh người lính cụ Hồ năm xưa vẫn rừng rực cháy. Trong chiến tranh họ là tấm gương sáng về sự dũng cảm, trung thành; trở về đời thường, với biết bao khó khăn, thử thách, họ lại mạnh dạn tìm cách làm giàu và không ít người đã trở thành hình mẫu làm kinh tế giỏi.

 

Đến gia đình hội viên (HV) Bùi Đức Dũng, xóm cây Châm, xã Động Đạt (Phú Lương), chúng tôi dạo bước trong khu vườn cây trái tươi tốt, ngắm nhìn hệ thống ao được xây dựng quy mô để thả cá. Đứng trên bờ ao, ngước nhìn sang bên phải, tôi như ngợp mắt bởi màu xanh từ cánh rừng keo đã hơn 4 năm tuổi đang vươn mình căng tràn sức sống. Giản dị trong bộ quân phục đã cũ, ông Dũng nhắc lại những ngày vất vả gian lao từ khi rời quân ngũ, khoác chiếc ba lô trở về cùng đôi bàn tay trắng. Ban đầu, ông đã từng nuôi hy vọng làm giàu từ trồng cây thuốc bắc và cà phê nhưng đều thất bại. Sau đó, ông quyết định gánh đất bùn đổ lên vườn để trồng cây ăn quả. Hiện trong vườn nhà ông có mấy trăm cây ăn quả các loại như vải, nhãn, xoài cát, đu đủ... Nhưng chăn nuôi lợn, gà mới đem lại nguồn thu chính cho gia đình ông. Từ tháng 5-2008, ông đầu tư 350 triệu đồng xây dựng 23 ô chuồng với diện tích 500 m2, có hệ thống máng ăn, uống tự động, các bể biôga đảm bảo vệ sinh môi trường để nuôi 20 đầu lợn nái và 150 con lợn thịt/lứa. Từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt mỗi năm trừ chi phí gia đình ông thu trên dưới 100 triệu đồng.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Phú Lương cho biết: Hiện Hội CCB huyện Phú Lương có gần 5.000 HV, sinh hoạt ở 26 chi hội. Phát triển kinh tế là 1 trong 5 chuyên đề hoạt động được Hội đặc biệt quan tâm. Sau khi phong trào được phát động, đông đảo HV đã tích cực hưởng ứng tham gia. Để giúp đỡ các HV, Hội CCB huyện đã phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân huyện… mở các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho các HV. Bên cạnh đó, Hội thường xuyên tổ chức các đoàn đi tham quan, học tập mô hình kinh tế giỏi giữa các HV để họ vận dụng vào gia đình mình. Hàng năm, tiến hành tổng kết và khen thưởng các hộ có kinh tế khá, giỏi; đồng thời vận động các HV xây dựng quỹ để giúp các HV có hoàn cảnh khó khăn. Số quỹ này do các cấp Hội quản lý hiện có 530 triệu đồng, giúp hàng trăm lượt hộ vay đầu tư vào sản xuất. Hội CCB trong huyện cũng tích cực đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách và Xã hội huyện với số tiền trên dưới 10 tỷ đồng mỗi năm, thành lập trên 20 tổ vay vốn tạo cơ hội cho hơn 600 hộ HV/năm vay để phát triển kinh tế. Những đồng vốn vay đến tay các HV CCB được sử dụng đúng mục đích đã phát huy hiệu quả. Do vậy, tỷ lệ hộ HV nghèo của Hội hiện chỉ còn gần 9% (giảm gần 2% so với năm 2008), số hộ HV khá và giàu là gần 30%. Thông qua tổ chức Hội, nhiều HV đã lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp, từng bước ổn định đời sống và vươn lên thoát nghèo.

 

Điển hình như ông Nguyễn Thế Hoà, xã Ôn Lương, một CCB ham mê làm kinh tế. Nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách và xã hội huyện do Hội CCB đứng ra tín chấp, ông đã đầu tư mở xưởng mộc tại gia đình. Vốn khéo tay lại cần cù, chịu khó, biết tích lũy vốn để đầu tư quay vòng nên xưởng mộc của ông ngày một ăn nên làm ra. Năm 2009, ông đã thoát nghèo và hiện là chủ của xưởng mộc chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất cung ứng cho nhân dân trong xã và các địa phương lân cận. Cơ sở sản xuất của ông mỗi năm thu lãi trên 80 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 3-5 lao động là con em CCB trong xã với mức thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/người/tháng... Hay như HV Vũ Duy Lưu, xã Vô Tranh với mô hình trồng 10 ha keo lai, 1 ha măng bát độ và 0,5 ha diện tích mặt nước thả cá các loại, ngoài ra ông còn mạnh dạn đầu tư nuôi ba ba, có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm; HV Phùng Văn Công, HV Nguyễn Quốc Xứng xã Ôn Lương với mô hình kinh tế tổng hợp vườn, ao, chuồng - rừng đã vượt khó vươn lên làm giàu, thu lãi trên dưới 100 triệu đồng/năm… Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, trang trại đến nay, trong Hội đã có 8 doanh nghiệp vừa và nhỏ được thành lập do các HV CCB làm chủ, 3 hợp tác xã dịch vụ điện và phân bón, trên 50 đại lý kinh doanh các loại có vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng…

 

Từ các hoạt động ở cơ sở cho thấy, các HV CCB huyện Phú Lương đã thực sự khẳng định được vai trò của mình trong mặt trận phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Họ thật xứng đáng với danh hiệu Bộ đội cụ Hồ và 8 chữ vàng mà Nhà nước trao tặng: “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới”.