Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng cân bằng giữa hai mục tiêu: ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần tăng trưởng kinh tế như đã đặt ra từ đầu năm.
Ngày 29/9, trong cuộc trao đổi với báo chí, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, mặc dù trong thời gian qua đã có sự phối hợp rất tốt giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, nhưng do nhu cầu của nền kinh tế, chúng ta phải phát hành một lượng trái phiếu cực lớn với lãi suất cao. Cũng đã có ý kiến nói việc làm này sẽ khiến lãi suất khó xuống, vì ngân hàng thương mại có chỗ để dịch chuyển đồng vốn an toàn mà vẫn có lãi cao.
Trong khi đó, ngân hàng hiện không còn độc tôn trong việc huy động vốn, mà đang bị cạnh tranh bởi các kênh như bất động sản, chứng khoán, hàng hóa, ngay bản thân doanh nghiệp cũng phát hành huy động vốn trên thị trường. Cạnh tranh như vậy sẽ ảnh hưởng tới chi phí vốn.
“Tuy nhiên, chúng tôi tin mặt bằng lãi suất sẽ giảm dần. Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành linh hoạt bằng các công cụ của mình. Hiệp hội Ngân hàng cũng có vai trò trong việc tạo đồng thuận giữa các thành viên để hạ dần lãi suất. Nhưng quan trọng nhất là tính cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng. Họ cũng phải tìm kiếm và giữ chân khách hàng tốt. Có ngân hàng cho biết họ đã cho vay khách hàng nhóm A chỉ với lãi suất 11,5%. Cạnh tranh như vậy sẽ khiến lãi suất giảm xuống,” Thống đốc khẳng định.
Thống đốc cho biết, tính đến ngày 27/9, tăng trưởng tín dụng đạt 19,27%, đến cuối tháng 9/2010 tăng khoảng 19,5%. Như vậy, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 25% cho cả năm sẽ thực hiện được.
Những tháng cuối năm 2010, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến kinh tế vĩ mô và tình hình thị trường để có biện pháp điều hành linh hoạt đảm bảo đúng mục tiêu đề ra.
Thống đốc khẳng định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng cân bằng giữa hai mục tiêu: Ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần tăng trưởng kinh tế như đã đặt ra từ đầu năm.
Trong tổng dư nợ toàn ngành hiện nay, dư nợ tín dụng khu vực phi sản xuất hiện nay là 385.000 tỷ đồng, tăng 18,2% - thấp hơn mức dư nợ chung của toàn hệ thống. Trong đó dư nợ cho vay bất động sản 218.000 tỷ đồng, tăng 18%; dư nợ cho vay chứng khoán 15.000 tỷ đồng, tăng 19,8%; dư nợ tín dụng tiêu dùng 151.000 tỷ đồng, tăng 19,7%. Một số lĩnh vực sản xuất ưu tiên cho vay đều có mức tăng trưởng dư nợ cao: khu vực nông nghiệp - nông thôn tăng 19%; khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 20%.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, vấn đề đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng luôn được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm. Ngay từ năm 2005, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Quyết định trên đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an toàn và phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng thương mại Việt
Từ thực tế của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua, việc nâng cao tính an toàn của hệ thống ngân hàng càng trở nên quan trọng hơn do hoạt động ngân hàng mang tính chất nhạy cảm và có tác động rất mạnh mẽ đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế.
Đến nay, về cơ bản, các tổ chức tín dụng Việt Nam đều đặt yêu cầu quản trị rủi ro lên hàng đầu, kể cả những ngân hàng mới như LienVietBank, BaoVietBank, TienPhongBank cũng có hệ thống quản trị rủi ro rất tốt./.