Những năm qua, thành phần kinh tế tập thể luôn được quan tâm, tạo điều kiện phát triển, trong đó có tổ hợp tác (THT). Việc ban hành Nghị định số 151/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2007 về tổ chức và hoạt động của các THT (viết tắt là NĐ 151) đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để mô hình THT phát triển. Nhưng, thực tế cho thấy sự liên kết còn rời rạc, thiếu bền vững của mô hình này.
Hiện nay, Thái Nguyên có khoảng 870 nghìn người sống ở nông thôn (chiếm 75% dân số toàn tỉnh). THT là mô hình phù hợp và hiệu quả để phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn, liên kết các hộ gia đình dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ, giúp giải quyết những khó khăn về vốn, máy móc, vật tư, cây con giống,... cho người nông dân khi phát triển kinh tế. Chúng tôi đến thăm mô hình THT chăn nuôi bò nái tại xóm Ngò Thái, xã Tân Đức (Phú Bình). Ông Hoàng Ngọc Tại, Tổ trưởng cho chúng tôi biết: Tổ được thành lập từ năm 2003 với 26 tổ viên. Ban đầu, với số vốn vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội, cùng với vốn tự có, tổ đã mua được 26 con bò giống. Sau đó, Tổ đã mời cán bộ Trung tâm Khuyến nông huyện tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, thú y cho các tổ viên, đồng thời đảm bảo đầu ra cho bà con. Nhờ đó, thu nhập của các tổ viên đã được nâng lên, đời sống được cải thiện. Năm 2006, Tổ tiếp tục vay thêm số tiền là 100 triệu đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi, mua bò đực giống chất lượng. Đến nay, tổng đàn bò của tổ là 32 con. Ông Tại vui mừng nói: Tới tháng 10 này, Tổ sẽ hoàn trả hết số nợ còn lại với Ngân hàng. Việc hợp tác chăn nuôi bò nái đạt hiệu quả, giúp cho 4 gia đình tổ viên thoát nghèo. Từ năm 2009, trong THT của chúng tôi đã không còn hộ nghèo. Hoạt động hiệu quả là vậy, nhưng khi được hỏi về hợp đồng hợp tác, chứng thực của UBND xã, đăng ký kinh doanh thì ông Tại cho biết: Tổ không hề có hợp đồng hay chứng thực, cũng chẳng có đăng ký kinh doanh, mọi người chỉ thỏa thuận bằng miệng với nhau. Tổ cũng không hề có các loại vốn, quỹ chung.
Đây cũng chính là thực tế đang tồn tại trong nhiều THT ở Thái Nguyên hiện nay. Bà Hoàng Thị Tâm, Phòng Kinh tế hợp tác, Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên nói: Các THT có quy mô nhỏ, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương (trung bình một THT có 6 tổ viên và 5 lao động), có nhiều ưu điểm hơn HTX. Tuy nhiên, các THT vẫn còn liên kết rời rạc, chỉ theo thời vụ, lĩnh vực và địa bàn hoạt động của các THT chưa đa dạng, còn nhiều vấn đề trong tổ chức và quản lý của các THT. Theo Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh: Tới tháng 6/2010, Thái Nguyên có 280 THT được thống kê, trong đó có 264 THT nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, 16 THT hoạt động trong các lĩnh vực khác như sản xuất chè an toàn, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, không có THT hoạt động ở các lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, tín dụng vốn; giải quyết việc làm cho trên 1.300 lao động (chỉ bằng 0,1% lực lượng lao động toàn tỉnh); số lượng THT ở các địa phương không đồng đều, huyện Định Hóa có 140 tổ, Võ Nhai 46 tổ, Phú Lương 41 tổ, Sông Công 28 tổ, Phú Bình 11 tổ, Đồng Hỷ 9 tổ, và Đại Từ chỉ có 5 tổ (mới được thành lập đầu năm 2010), còn hai địa phương là Phổ Yên và T.P Thái Nguyên không có THT nào. Hiện, trong tỉnh không có THT nào hoạt động theo đúng NĐ 151. Việc thống kê, báo cáo chủ yếu dựa trên việc quản lý THT của UBND xã, phường.
Ông Đỗ Văn Hiền, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè an toàn Minh Ngọc ở xóm Sông Cầu, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) trao đổi với chúng tôi: Tổ được thành lập từ năm 2005, có số lượng tổ viên nhiều nhất trong các THT của tỉnh với 65 người và 80 lao động. Nhu cầu hợp tác của bà con là có, nhưng mới chỉ ở mức đổi công khi vào vụ hái chè, giải quyết vấn đề về thiếu hụt lao động trong thời gian thu hoạch. Ông cũng thừa nhận rằng: Do không có hợp đồng hợp tác, không được UBND xã chứng thực nên chẳng có sự ràng buộc giữa các tổ viên. Thêm vào đó, Tổ không thể lo được đầu ra cho sản phẩm nên nhiều tổ viên không thiết tha gắn bó với Tổ. Tổ có nguy cơ tan ra.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thấy rằng nhận thức về THT của một số người dân và chính quyền địa phương còn lệch lạc, việc hợp tác chưa là nhu cầu thực sự của chính các tổ viên để phát triển kinh tế, nhiều khi chỉ là hưởng lợi từ nguồn vốn vay của các dự án, rồi sử dụng số tiền đó sai mục đích, kém hiệu quả. Có địa phương chưa quan tâm, hướng dẫn cụ thể đối với các THT khi thành lập, thậm chí vẫn có suy nghĩ cho rằng THT là đơn vị dưới cấp thôn, xóm, chịu sự lãnh đạo của chi bộ cơ sở, còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền các cấp và các tổ chức. Việc tiếp cận với các nguồn vốn ngân hàng của THT còn khó khăn vì năng lực hạn chế, không có thế chấp, mô hình hoạt động kém hiệu quả, rủi ro cao. Vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX (5 tỷ đồng) chỉ chủ yếu đầu tư cho các HTX, khó đến được tay của các THT. Thêm vào đó, công tác quản lý các THT vẫn có những bất cập, chỉ nắm đơn thuần về mặt số lượng, tổ trưởng, tổ phó chưa được tham gia các lớp tập huấn về quản lý, chưa thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật cho tổ viên.
Như vậy, để kinh tế tập thể trong đó có THT cùng với kinh tế Nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, chúng ta cần thực hiện nhiều giải pháp như: Tổng hợp, điều tra, đánh giá, phân tích cụ thể nguyên nhân những yếu kém của THT; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để dần khắc phục những tồn tại; tập trung hướng dẫn các THT về tổ chức và hoạt động theo quy định, có sự kết hợp chặt chẽ “5 nhà” (Nhà nước-Nhà nông là các THT-Nhà doanh nghiệp-Nhà khoa học-Nhà đầu tư tài chính). Giải pháp trước mắt rất quan trọng, đó là bồi dưỡng kiến thức tổ chức quản lý trong THT, nâng cao khả năng quản lý nguồn vốn, vật tư, tiếp cận thị trường cho các tổ trưởng, tổ phó để từ đó giúp hoạt động của THT hiệu quả hơn, mở rộng liên kết với các tổ chức kinh tế khác, dần hình thành các HTX khi có đủ điều kiện để nâng cao khả năng, phạm vi hoạt động và mở rộng thị trường.