Trong những năm qua, nhiều chương trình, dự án về trồng rừng đã được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai và bước đầu phát huy được hiệu quả. Trong đó, nổi bật là mô hình thí điểm trồng rừng thâm canh tại 3 xã: La Hiên, Cúc Đường và Vũ Chấn.
Trước đây, gia đình bà Vũ Thị Chiện, xóm Làng Giai, xã La Hiên đã trồng trên 2 ha rừng keo lai nhưng do chưa nắm vững về kỹ thuật trồng, chăm sóc nên cây chậm lớn. Giữa năm 2009, Trạm khuyến nông huyện triển khai Dự án trồng thí điểm rừng thâm canh, gia đình bà đã trồng thêm 1ha rừng keo. Tham gia Dự án, gia đình bà được Nhà nước hỗ trợ về giống, vốn và trực tiếp cử cán bộ trạm khuyến nông huyện hướng dẫn về kỹ thuật. Nhờ đó, rừng cây mới trồng của gia đình bà phát triển rất tốt, chỉ sau 1 năm cây đã cao gần bằng chiều cao của cây trồng hơn 3 năm trước. Bà Chiện cho biết: Từ trước đến nay, khi trồng rừng tôi chỉ đặt cây xuống đất chứ không biết cách đào hố theo tỷ lệ chiều sâu, bề rộng, cũng như không biết bón phân cho hợp lý và sau khi trồng thì mặc cho cây phát triển tự nhiên. Hơn 1ha rừng mới trồng dự án, tôi đã tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, tôi tin chắc diện tích này sẽ cho thu hoạch trước.
Làng Giai là một trong những xóm được Trạm Khuyến nông huyện lựa chọn thực hiện thí điểm mô hình trồng rừng thâm canh và gia đình bà Vũ Thị Chiện là một trong 40 hộ dân của xóm thực hiện mô hình này với quy mô 52ha. Mỗi ha rừng trồng được Nhà nước hỗ trợ 1,2 triệu đồng, trong đó 60% tiền mua cây giống, 40% kinh phí phân bón. Theo đánh giá của bà Đỗ Thị Ngọ, cán bộ Trạm khuyến nông huyện và qua thực tế từ hai mô hình trồng rừng thâm canh đã được thực hiện trước đó tại xã Vũ Chấn và Cúc Đường cho thấy, hiệu quả mang lại từ mô hình này là rất cao, keo lớn nhanh, tỷ lệ cây chết rất thấp, bởi ngoài việc tuân thủ khoa học kỹ thuật trong trồng và chăm sóc thì giống cây keo tai tượng đưa vào trồng thí điểm đã được cán bộ kỹ thuật của Trạm lựa chọn kỹ lưỡng, đảm bảo cây giống khỏe, chất lượng tốt.
Có thể nói, mô hình trồng rừng thâm canh được thực hiện thí điểm tại 3 xã nói trên bước đầu đã mang lại hiệu quả, khẳng định được hướng đi đúng trong công tác trồng và phát triển rừng. Thực hiện mô hình này đã mang lại hiệu quả cao hơn hẳn so với kiểu trồng tự phát trước đây của người dân. Tuy nhiên, hiện nay kinh phí dành cho việc thực hiện mô hình còn hạn chế, trong khi nhu cầu trồng rừng của người dân trên địa bàn huyện là rất lớn, mỗi năm nhu cầu trồng rừng của huyện khoảng 1 nghìn ha vì thế, hiện nay, nhiều địa phương vẫn trồng theo phương pháp cũ, cây phát triển chậm, tỷ lệ cây sống thấp. Để từng bước giúp người dân tiếp cận dần với mô hình trồng rừng thâm canh, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành chức năng để nhân rộng mô hình này, giúp bà con nông dân có thêm kiến thức để phát triển mạnh nghề trồng rừng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời thực hiện phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.