Với chị Nguyễn Thị Hoàn, hội viên phụ nữ Chi hội Cơ Phi (xã Vạn Phái-Phổ Yên), con bê vàng 7 tháng tuổi của gia đình chị hiện nay là cả một gia tài lớn mà chị mơ ước từ lâu.
Chị cho biết: Từ đầu năm 2009 tôi được “Ngân hàng bò sinh sản” của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện cho nhận bò nái về nuôi. Đến tháng 3 năm nay nái bò ấy sinh cho tôi 1 bê con khoẻ mạnh, đầu tháng 10 này tôi có trách nhiệm giao lại bò mẹ cho hội viên phụ nữ nghèo khác được chăm sóc, lấy bê con... Chị dừng lời như ngẫm nghĩ rồi tiếp: Chắc tôi chỉ phải nộp cho “Ngân hàng bò sinh sản” khoảng 700 nghìn đồng là được “thím” bê rồi.
Bà Nguyễn Thị Chuyên, Chi hội phó Chi hội phụ nữ Cơ Phi cho biết: Chị Hoàn là trường hợp thứ 6 của Chi hội được nhận bò sinh sản về nuôi lấy bê. Bò dễ nuôi, nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên, tuy vậy chị Hoàn vẫn tích cực cho bò ăn bổ sung thêm cám các loại.
Chứng kiến niềm vui được bê của chị Hoàn, tôi liên tưởng về thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá, việc cày bừa của nhà nông phần nhiều được sử dụng bằng máy, nhưng với cảnh nghèo như chị Hoàn thì con bò vẫn đúng nghĩa là đầu cơ nghiệp. Các chị không chỉ sử dụng bò vào việc cày bừa đất làm mùa vụ mà còn có nguồn phân bón tại chỗ để góp phần tăng năng suất cây trồng, việc chăn nuôi bò sinh sản cũng giúp các chị tăng được nguồn thu nhập từ bán bê con. Điển hình trong chăn nuôi bò sinh sản là chị Nguyễn Thị Đan, năm 2000 được “Ngân hàng bò” cho vay vốn (bò sinh sản), sau đó từ 1 bê cái được hưởng lợi, qua 10 năm chị đã 8 lần được bán bê con. Chị Đan là 1 trong những hội viên phụ nữ nghèo đầu tiên của huyện Phổ Yên tham gia chương trình “mượn bò mẹ” của Hội LHPN huyện về nuôi lấy bê. Nhờ biết chăm sóc, bò của chị sinh sản đều đặn.
Theo lời chị Phạm Thị Hoàn, Chủ tịch Hội LHPN nữ huyện: 10 năm trước đây (2000), huyện Phổ Yên có tới hơn 20% số hộ nghèo, Vạn Phái là xã có số hộ nghèo cao nhất của huyện, trên 50%. Điều rất đáng quan tâm là trong những gia đình nghèo, phụ nữ thường rất thiệt thòi và mất quyền bình đẳng, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến xảy ra bạo lực trong gia đình. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội LHPN huyện đã xác định nhiệm vụ giúp đỡ, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tê, vươn lên xoá đói giảm nghèo là việc “cần làm ngay”. Trong nhiều mô hình được triển khai thì mô hình “Bò nái sinh sản” phù hợp hơn hẳn, bởi chăn nuôi bò sinh sản không đòi hỏi nhiều vốn. Và để có vốn ban đầu, Hội LHPN huyện phát động phong trào quyên góp, ủng hộ giúp đỡ phụ nữ nghèo có địa chỉ. Với tinh thần mỗi hội viên ủng hộ 2.000 đồng, các cấp hội đã gom được 16 triệu đồng, mua được 9 con bò nái. Toàn bộ số bò này được giao cho hội viên nghèo xã Vạn Phái nuôi. Sau 5 năm (2000-2005), số lượng đàn bò tăng và số hội viên nghèo ở được hưởng lợi từ việc làm này cũng ngày một nhiều, nên Hội tiếp tục phát động phong trào quyên góp. Cũng bằng cách huy động 2.000 đồng/hội viên, Hội đã gom được thêm 22 triệu đồng. Cộng cả 2 đợt quyên góp, số tiền huy động quỹ đạt 38 triệu đồng để mua bò giao cho hội viên nghèo nuôi, trị giá mỗi con bò nái từ 1,8 đến 4 triệu đồng (giá bò căn cứ vào thời điểm mua). Khi bê con được 8 đến 12 tháng tuổi, chủ nuôi có trách nhiệm báo cáo với Ban giám sát Chi hội để Ban giám sát báo cáo Ban quản lý cấp xã và thường trực Hội LHPN huyện, sau đó tổ chức đánh giá về giá trị bò mẹ và bê con. Với bê đực chủ nuôi trích nộp 10% giá trị; bê cái thì trích nộp 30% giá trị vào dự án. Số tiền phần trăm do chủ nuôi nộp được giao lại cho Ban quản lý cấp xã quản lý để đầu tư tăng thêm đàn bò, hỗ trợ thêm cho chủ nuôi gặp rủi ro...
Sau 10 năm (2000-2010) triển khai, đã có 145 hộ phụ nữ nghèo được hưởng lợi từ “Ngân hàng bò sinh sản”. Cũng từ năm 2000 đến nay, số lượng bò đã tăng từ 9 con lên 145 con, trong đó có 15 con bò mẹ được mua từ nguồn tiền quyên góp ủng hộ của các hội viên phụ nữ, 3 con bò mẹ được mua bằng tiền phần trăm trích lại của các hộ được hưởng lợi từ chương trình. Có 76 bò con đời thứ nhất, 51 bò con đời thứ 2. Về số lượng vốn (giá trị đàn bò) từ 16 triệu năm 2000 tăng lên hơn 370 triệu đồng hiện nay. Hiệu quả từ “Ngân hàng bò sinh sản” đã tạo được việc làm tại chỗ cho 290 lao động ở các hộ tham gia, giúp được 93 gia đình hội viên thoát nghèo.