Điều này thật đúng với cách làm ăn của ông Nguyễn Văn Dưỡng, một điển hình về sản xuất, kinh doanh giỏi ở xóm Tân Sơn, xã Đào Xá (Phú Bình). Với mô hình kinh tế tổng hợp mà ông đang thực hiện, thật sự khiến nhiều người phải nể phục, học tập.
Bước vào khuôn viên rộng 12.000 m2 do ông làm chủ ai cũng có thể cảm nhận được sự ăn nên làm ra của gia đình. Hai bên cổng vào của ngôi nhà kiên cố, rộng rãi, ông xây dựng hai nhà kho để máy xay xát, máy nghiền bột, ép bột, làm sạch gạo, cán mì... Khoảng sân rộng trước nhà được ông dành làm nơi phơi mì. Bên dưới khoảng sân đó là ao thả cá rộng hàng nghìn m2. Bên trong khu vườn là khu chuồng trại nuôi tới 50 con lợn, hàng trăm con vịt và hàng nghìn con gà... Từ những dịch vụ, chăn nuôi tổng hợp trên, trừ mọi chi phí, hàng năm, ông Dưỡng có thu nhập khoảng 140 triệu đồng. Tôi thực sự “choáng” trước mô hình kinh tế xem ra rất “dàn trải” nhưng hợp lý và hiệu quả ấy. Khi hỏi ông vì sao lại có thể làm được nhiều việc cùng một lúc đến vậy (vừa sản xuất, kinh doanh vừa đầu tư trang trại) ông cười nói: Quan điểm của tôi là lấy cái nọ đỡ cho cái kia, nếu như chẳng may có thiệt hại về cái này còn có cái khác bù lại”.
Nhìn qua mô hình kinh tế mà ông đang thực hiện, nhiều người sẽ tưởng rằng ông vốn là một “đại gia” lắm tiền trong đầu tư làm ăn. Nhưng qua câu chuyện chúng tôi, mới biết, “cái nền” mà ông đang có lại được xây lên từ hai bàn tay trắng, từ những giọt mồ hôi lẫn nước mắt hàng chục năm qua. Những năm 1990, gia đình ông chỉ biết làm ruộng, đất thì nhiều nhưng làm mãi cũng chỉ đủ ăn. Năm 1998, ông quyết định xuống Hà Bắc học cách làm mì gạo. Sau 3 tháng, học đã thành nghề, quay về ông đã dồn tất cả số vốn có được và vay thêm của anh em họ hàng đầu tư trên 30 triệu đồng vào máy xay xát, máy nghiền, máy ép bột, máy cán... sản xuất mì. “Những tưởng như thế là có cái “ăn” ngay được, ai ngờ, tôi cũng phải trả giá khá nhiều mới có được kinh nghiệm. Bởi đi học là một lẽ, lúc bắt tay vào mới thấy cái khó. Nghề làm mì là một nghề đòi hỏi kỹ thuật cao, cẩn thận từ khâu chọn gạo, lọc bột, cán mì... Thời gian đầu, tôi đã từng rơi nước mắt khi làm hỏng hàng chục tấn gạo. Anh thử tính xem, mỗi lần tôi làm gần 2 tạ gạo mà làm mì có rất nhiều công đoạn, mỗi lần chỉ cần sai sót một tý thôi là cũng phải trả giá rồi. Trong vòng hàng tháng như thế tôi mới rút ra được toàn bộ quy trình làm khép kín, hoàn thiện. Chưa hết, việc làm này còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nếu mưa mì không phơi được sẽ hỏng. Năm 2004, tôi đã đầu tư hàng chục triệu đồng để đầu tư lò sấy. Dùng cách này rất thuận tiện, mì khô, rất đẹp nhưng khi cho vào nấu thì lại nát như cháo. Sau tôi mới nghiệm ra rằng do mình không dùng hóa chất cho sản phẩm nên không thể dùng cách này được đành quay về với cách phơi truyền thống”. Ông nói.
Từ việc sản xuất mì, hàng năm, trừ hết chi phí ông Dưỡng có thu nhập khoảng 25 triệu đồng. Ngoài ra còn giải quyết cho 5 lao động trong xã với mức lương 80.000 đồng/ngày, hàng chục người cũng được ông tạo việc làm bằng cách cung ứng hàng đi bán trước rồi trả vốn cho ông sau. Cũng từ năm 2004, ông mạnh dạn đầu tư 400 triệu vào các mô hình chăn nuôi lợn, gà, vịt, ao cá... Trước đây, gia đình ông chỉ nuôi 5 đến 10 con lợn thì nay trong khu chuồng rộng 200 m2 được ngăn thành nhiều ô đã có 50 con. Trong đó, 5 con lợn nái đẻ ra bao nhiêu được ông giữ lại nuôi lợn thịt. Khoảng đất đồi rộng hơn 3 nghìn m2 được ông đầu tư nuôi từ 3 đến 4 nghìn con gà ta, vài trăm con vịt. Tất cả mọi sản phẩm phụ từ việc sản xuất mì gạo đều được ông tận dụng tối đa cho chăn nuôi.
Chỉ vào mấy con bò đang ăn cỏ ngon lành, ông Dưỡng vui vẻ: “Từ năm ngoái, tôi lại mua thêm mấy con bê về nuôi, cuối năm bán bò, cỏ thì trồng trong vườn, bờ ao, không tốn công chăn thả mà hàng năm bán đi cũng lãi không ít. Hiện tại tôi nuôi 4 con, nhưng sắp tới tôi đã có ý định mở rộng thêm đàn bò vì nhà vốn có đất trồng cỏ, chỉ cần đầu tư con giống là được”. Ông lại dẫn tôi xuống thăm ao cá rộng thênh thang trước nhà. Ông cúi xuống nhặt ít rau muống được trồng trên bờ thả xuống, mặt ao đang yên lặng bỗng ào lên như nước bị đun sôi, tôi thỏa thích ngắm hàng trăm con cá thi nhau đớp mồi. Ông cho biết, với 2.000 m2 diện tích mặt ao này hàng năm ông thả cá rô phi đơn tính và cá chim trắng là chủ yếu. Mỗi vụ ông thả khoảng 3.000 con mỗi loại. Bình quân cho thu hoạch 3 tấn cá/năm. Về sau tôi mới biết, cái ao đó có được là do hai vợ chồng ông cùng nhau đào đất đóng gạch để xây nhà thủa còn hàn vi. Chưa hết, 1,2 mẫu rộng vẫn được gia đình ông thâm canh lúa không bỏ một vụ nào. Không dừng lại ở đó, ông còn có kế hoạch mở thêm dịch vụ cung cấp thức ăn gia súc và kinh doanh vật liệu xây dựng trong thời gian tới.
Nói về ông Dưỡng, đồng chí Hoàng Văn Liên, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Tân Sơn cho biết: “Gia đình ông Dưỡng xứng đáng là một điểm sáng về phát triển kinh tế hộ gia đình. Bản thân ông đang là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, hội viên Hội Chữ thập đỏ, Tổ an ninh, Tổ thủy nông... công việc bận rộn nhưng ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, gia đình luôn hòa thuận, êm ấm. Ngoài ra ông còn giúp nhiều hộ gia đình khác trong xóm phát triển kinh tế bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ thuốc phòng bệnh gia cầm...”. Được biết, trong và ngoài xóm Tân Sơn đã có hơn 20 hộ khác đến học và làm theo mô hình chăn nuôi của gia đình ông. Ông đã nhận được nhiều Giấy khen của xã, huyện về phong trào thi đua yêu nước sản xuất kinh doanh giỏi, đảng viên xuất sắc. Vừa qua, ông vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen đã có thành tích trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2008 - 2010.