Ngành Công thương với giải pháp bình ổn giá cả thị trường

15:19, 26/10/2010

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, trong tháng 10-2010, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,01% so với tháng trước. Trong tổng số 11 nhóm hàng hoá, dịch vụ chủ yếu, có 2 nhóm chỉ số giá ổn định hơn là hàng may mặc, giày dép, nón mũ; nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giá giảm nhẹ hơn so với tháng trước; còn lại 8/11 nhóm mặt hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó, đặc biệt nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất (2,42%).

Trong đó, giá lương thực tháng 10-2010 tăng 3,27% so với tháng trước, tăng 14,91% so với cùng kỳ; giá thực phẩm tăng 2,37% so với tháng trước, tăng 12,56% so với cùng kỳ. Riêng chỉ số giá vàng tăng 7,75% so với tháng trước, tăng 38,62% so với cùng kỳ; chỉ số giá USD tăng 1,43% so với tháng trước, tăng 7,87% so với cùng kỳ. Theo dự báo, giá vàng và USD sẽ tiếp tục có những diễn biến khó lường. Dự đoán, chỉ số giá các nhóm: Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng có xu hướng tăng do nhu cầu về xây dựng vào các tháng cuối năm sẽ tăng cao.

 

Nhằm thực hiện tốt văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về quản lý, chỉ đạo, điều hành giá những tháng cuối năm, góp phần bình ổn giá cả thị trường, ngành Công thương đã triển khai nhiều biện pháp như: Thành lập các đoàn để kiểm tra, kiểm soát thị trường; tổ chức nắm tình hình, tiếp tục triển khai các phương án kiểm tra, kiểm soát của Ban Chỉ đạo 127 T.W và tỉnh, không để xảy ra các tụ điểm, tuyến, địa bàn phức tạp về buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại, gây bất ổn thị trường. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo kế hoạch đã xây dựng, từ nay đến Tết Nguyên đán, ngành Công Thương sẽ tổ chức các Hội chợ Triển lãm “Tôn vinh thương hiệu Việt” (vào trung tuần tháng 11) và Hội chợ với chủ đề “ Vui xuân - mua sắm Tết” (thời gian giáp Tết) nhằm thoả mãn nhu cầu mua sắm của người dân và tôn vinh hàng Việt nhằm khuyến khích người dân hưởng ứng tích cực Cuộc vận động: “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

 

Theo dự báo, sức mua hàng hoá vào những tháng cuối năm và dịp Tết Tân Mão sẽ tăng khoảng 20% so với Tết Canh Dần (tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội 9 tháng năm 2010 đã ước đạt 6.996,8 tỷ đồng, tăng 27,8% so với cùng kỳ). Nhiều khả năng tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội trong quí I-2011 tăng lên 22% so với quý I-2010, ước đạt 2.552 tỷ đồng. So với Tết Nguyên đán năm 2010, lượng hàng hoá thực phẩm thiết yếu như: Thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến, rau quả; bánh, mứt, kẹo; hoa quả các loại sẽ tăng lên 20%. Các hàng hoá khác như: Hàng điện tử, may mặc, trang trí nội thất, xăng dầu, gas, hàng muối iốt bán ra tăng khoảng 15%. Dự kiến một số loại hàng thiết yếu tiêu thụ trung bình/tháng trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Tân Mão trên địa bàn tỉnh sẽ ở mức: gạo các loại 11.275 tấn; thịt gia súc, gia cầm 2.340 tấn; bánh, mứt, kẹo các loại 394 tấn; rượu, bia, nước ngọt 169 nghìn lít; muối iốt 462 tấn…

 

Đồng chí Nguyễn Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Từ dự báo khả năng “cầu” trên của thị trường nên ngay từ tháng 10-2010, ngành Công thương đã lựa chọn 7 mặt hàng thiết yếu như: gạo, muối iốt, bánh, mứt kẹo các loại; rượu, bia, nước ngọt; dầu ăn, dầu hoả; thực phẩm chế biến và một số mặt hàng khác đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ vốn dự trữ hàng hoá với tổng số tiền 27,58 tỷ đồng,  lãi suất bằng 0% để các doanh nghiệp chủ động được từ 20 đến 30% lượng hàng hoá dự trữ nhằm cung ứng trên thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và đảm bảo bình ổn giá cả. Các đơn vị được lựa chọn tham gia dự trữ và cung ứng hàng hoá phục vụ Tết gồm 7 doanh nghiệp. Đó là những doanh nghiệp có trụ sở trên địa bàn do UBND tỉnh quản lý, có đủ năng lực sản xuất, kinh doanh, có hàng hoá tham gia thị trường xuyên suốt trong năm với số lượng lớn, ổn định, hệ thống phân phối rộng”.

 

Với những giải pháp tích cực của ngành Công Thương chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo cung cấp đủ lượng hàng hoá với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý trong những tháng cuối năm và vào dịp tết Nguyên đán Tân Mão. Đặc biệt, sẽ chủ động được nguồn hàng để phục vụ tốt đồng bào các huyện vùng sâu, vùng xa; sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của thị trường, góp phần bình ổn giá cả thị trường.