Nhiều vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới ở Đại Từ

07:58, 11/10/2010

Sau hơn một năm triển khai Nghị quyết  TW7 về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) nhưng huyện Đại Từ vẫn dừng lại ở bước hướng dẫn các xã xây dựng chương trình theo các tiêu chí NTM. Việc tuyên truyền tới nhân dân trên địa bàn huyện vẫn chưa được triển khai. Nguyên nhân dẫn tới sự chậm chễ này là do các cơ quan cấp trên chưa có hướng dẫn cụ thể về nguồn lực đầu tư từ ngân sách nên việc tổ chức triển khai thực hiện từ huyện đến xã còn gặp nhiều vướng mắc.

 

Những ngày này, nông dân xã Hùng Sơn đang tất bật gieo trồng, chăm sóc các loại rau màu vụ đông. Trên cánh đồng xóm Đồng Cả, họ miệt mài trồng khoai lang, khoai tây, bí đỏ. Ở chỗ khác, một nhóm nông dân bận rộn với công việc làm đất, trồng ngô đông. Được biết, cùng với xã La Bằng, xã Hùng Sơn được huyện Đại Từ chọn làm điểm mô hình về xây dựng NTM để các xã, thị trấn trong huyện học tập, nhân rộng. Tuy nhiên khi được chúng tôi hỏi về chương trình xây dựng nông thôn mới ở đây, ai cũng lắc đầu bảo không biết.

 

Tại trụ sở làm việc của xã, đồng chí Đỗ Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hùng Sơn được huyện chọn làm xã điểm trong xây dựng NTM, chúng tôi phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2011. Nhưng qua đối chiếu với 19 tiêu chí quy định thì Hùng Sơn mới có 6 tiêu chí đạt chuẩn (điện, bưu điện, hộ nghèo, hình thức tổ chức sản xuất, y tế, an ninh trật tự). Trong 13 tiêu chí chưa đạt chuẩn thì có một số tiêu chí đã cận chuẩn như giáo dục, thuỷ lợi, giao thông, trường học... còn 4 tiêu chí chúng tôi thấy khó có khả năng hoàn thành là về cơ sở vật chất văn hóa, cơ cấu lao động, môi trường và hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh. Đặc biệt là tiêu chí về môi trường, hiện nay phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trước khi đi vào hoạt động đều không có bản cam kết bảo vệ môi trường và trong quá trình hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường. Tại khu vực trung tâm xã tập trung nhiều nhà hàng ăn uống và các cơ sở sửa chữa, chất thải của các cơ sở này không được xử lý theo quy định mà thải trực tiếp ra sông, suối, cống rãnh gây tác động xấu đến môi trường.

 

Khi được hỏi về công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia chương trình xây dựng NTM, đồng chí Đỗ Đăng Khoa thừa nhận: Chương trình xây dựng NTM của Hùng Sơn vẫn nằm trên giấy và các thành phần được biết về chương trình lớn này mới dừng lại ở các đồng chí lãnh đạo xã, các ngành đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng xóm. Sở dĩ chúng tôi chưa tích cực tuyên truyền là do gặp khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong khi các xã điểm về NTM của Trung ương được đầu tư từ 150 tỷ đồng trở lên, thì chúng tôi hiện vẫn chưa rõ về nguồn vốn để triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

Tìm hiểu về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết: Không riêng Hùng Sơn mà hiện nay các xã khác đều vấp phải khó khăn về nguồn vốn. Đến ngày 4/6/2010, Chính phủ mới ban hành Quyết định 800/QĐ-TTg về phê duyệt chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và giao cho các Bộ, ban ngành của TW hướng dẫn thực hiện nhưng đến nay hầu hết chưa có văn bản hướng dẫn nên gây khó khăn cho cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện.

 

Không chỉ khó khăn về nguồn vốn đầu tư, qua tìm hiểu thực tế ở một vài xã khác, chúng tôi nhận thấy công tác tuyên truyền về xây dựng NTM còn hạn chế, nhận thức về 19 tiêu chí của Chính phủ về xây dựng NTM của cán bộ, đảng viên và nhân dân còn chưa cao, sự quan tâm chỉ đạo của một số cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành đoàn thể ở cơ sở trong tuyên truyền vận động, huy động nhân dân tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ giúp đỡ của cấp trên, thiếu chủ động trong việc triển khai thực hiện. Đặc biệt là công tác lập và thực hiện quy hoạch trong phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn còn chậm; kết quả triển khai một số chương trình, đề án hiệu quả chưa cao; tỷ lệ giảm nghèo qua các năm đã đạt mục tiêu đề ra nhưng còn chưa vững chắc, tình trạng tái nghèo, phát sinh nghèo mới còn cao, tình trạng ô nhiễm môi trường nhiều; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân nông thôn còn thấp nhất là đối với đồng bào dân tộc các xã vùng sâu, vùng xa.

 

Theo lộ trình đề ra, huyện Đại Từ đã chỉ đạo 2 xã La Bằng, Hùng Sơn phải làm điểm hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2012; giao chỉ tiêu cho các xã, thị trấn đến năm 2015 phải có 15/19 tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, 4 chỉ tiêu còn lại sẽ hoàn thành vào năm 2020. Huyện Đại Từ cũng chỉ đạo kế hoạch thực hiện các tiêu chí nông thôn mới phải được đưa vào Nghị quyết đại hội Đảng bộ các xã nhiệm kỳ 2010-2015. Các xã phải xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm trong đó xác định triển khai tiêu chí nào trước, tiêu chí nào thực hiện sau xác định đến năm nào đạt tiêu chí nông thôn mới; lập thiết kế, dự toán các công trình, hạng mục cần phải đầu tư xây dựng; tổng hợp kinh phí theo từng tiêu chí, tổng hợp các năm đến khi hoàn thành nông thôn mới…

 

Thiết nghĩ, xây dựng NTM phải dựa trên cơ sở nội lực có sẵn của địa phương và nhân dân để đưa đời sống đi lên. Vì vậy, để đạt được mục tiêu đã đề ra, huyện Đại từ cần tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị của sự thay đổi cho mô hình nông thôn truyền thống, đưa đời sống của nông dân thoát khỏi cái cũ còn nghèo và chậm phát triển là việc làm thiết yếu. Bởi chính những người nông dân nơi đây mới thực sự làm chủ và là lực lượng chính để xây dựng mô hình NTM. Điều này đòi hỏi công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải có một nhận thức, tư duy chủ động từ cán bộ lãnh đạo tới người dân trong xây dựng nông thôn mới.