Nằm dọc theo Quốc lộ 3, có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ, vì thế sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị trấn nhiệm kỳ 2005 - 2010, Giang Tiên đã tạo được những dấu ấn quan trọng. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều vượt mục tiêu đề ra, thu ngân sách hàng năm luôn vượt mức kế hoạch được giao...
Đồng chí Hồ Sỹ Nhất, Bí thư Đảng ủy thị trấn cho biết: Năm 2005, tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp chiếm 20%, thương mại, dịch vụ chiếm 50%, CN, TTCN chiếm 30%. Trước thực tế trên, Đảng bộ thị trấn đã tập trung đánh giá, phân tích tình hình kinh tế địa phương và tìm ra thế mạnh cần tập trung chỉ đạo phát triển là dịch vụ, thương mại. Vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông - lâm nghiệp thì thị trấn cũng triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ. Trước hết, Đảng bộ thị trấn đã tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, của các ngành, chỉ đạo tập trung đầu tư nâng cấp hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng.
Cụ thể, thị trấn đã làm được hơn 2km đường bê tông ở các phố Giang Bình, Giang Khánh, Giang Trung…, nâng cấp các tuyến đường nội thị, vận động nhân dân bàn giao đất để nâng cấp tuyến Quốc lộ 3 đoạn qua thị trấn, thành lập ban quản lý chợ, bố trí sắp xếp lại các điểm kinh doanh trong chợ… Để khuyến khích người dân đầu tư phát triển dịch vụ, thương mại, Đảng uỷ, chính quyền địa phương đã chỉ đạo, tạo điều kiện để người dân được vay vốn thông qua các tổ chức hội, đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ... Đến nay các hộ kinh doanh dịch vụ, thương mại của thị trấn đã được vay tổng số vốn khoảng trên 10 tỷ đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện.
Khi có vốn, các hộ dân tập trung phát triển và mở rộng các ngành nghề có lợi thế như: cơ khí, dịch vụ thương mại tổng hợp, sửa chữa ô tô, xe máy, chế biến chè búp khô, các dịch vụ công nghệ thông tin như tin học, điện thoại, internet. Anh Nguyễn Văn Tuấn, Chủ xưởng sửa chữa ô tô ở phố Giang Sơn (thị trấn Giang Tiên) cho biết: Năm 2003, vợ chồng tôi bắt đầu mở xưởng sửa chữa ô tô. Ban đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì chưa có kinh nghiêm, lại thiếu vốn đầu tư. Chính quyền đã tạo điều kiện cho gia đình tôi vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách - Xã hội để đầu tư sản xuất kinh doanh. Vừa làm vừa học hỏi, đến nay, xưởng sửa chữa ô tô và kinh doanh vận tải của gia đình đã tạo việc làm cho 7 lao động với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng, thu nhập của gia đình cũng đạt trên 100 triệu đồng/năm.
Hiện nay toàn thị trấn có trên 130 hộ kinh doanh dịch vụ, thương mại. Số lượng hàng hoá luân chuyển qua địa phương đã đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân và một phần nhu cầu trong toàn huyện. Cùng với việc tạo điều kiện cho người dân sản xuất, kinh doanh, cải thiện cuộc sống, Đảng bộ thị trấn cũng thường xuyên tuyên truyền vận động bà con chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong sản xuất kinh doanh và giữ gìn trật tự an toàn xã hội của địa phương. Chị Trần Thị Loan, ở phố Giang Khánh nói: Nhà tôi kinh doanh mặt hàng đồ gỗ nội thất. Bên cạnh việc làm ăn, chúng tôi cũng thường xuyên tham gia đóng góp đầy đủ các loại thuế như: thuế môn bài, thuế tháng, phí vệ sinh môi trường…
Nhờ thực hiện tốt các các giải pháp thúc đẩy phát triển dịch vụ, thương mại, giá trị sản xuất kinh doanh dịch vụ của thị trấn tăng từ 7,5 tỷ đồng năm 2005 lên 17 tỷ đồng năm 2009. Thu ngân sách qua các năm đều vượt chỉ tiêu, số thu bình quân hằng năm tăng 18%. (năm 2005 thu trên 555 triệu đồng, năm 2009 thu được hơn 820 triệu đồng). Năm 2005 giá trị sản xuất dịch vụ, thương mại ở thị trấn chỉ chiếm 50% cơ cấu kinh tế thì năm 2009 tỷ lệ này là 76%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 3,5 triệu đồng/người/năm (2005) lên 11,7 triệu đồng/người/năm (2009); góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn giảm từ 124 hộ (chiếm 13,4%) năm 2005, xuống còn 52 hộ (chiếm 7,16%) năm 2009. Kinh tế từng bước phát triển, từ năm 2005 đến nay, thị trấn đã huy động được trên 4,9 tỷ đồng xây dựng các công trình dân sinh như: Trường học, trạm bơm, trạm biến áp, nhà làm việc UBND, 7 nhà văn hóa của 7 tiểu khu... Những công trình trên đưa vào sử dụng đã phục vụ đắc lực cho cuộc sống của người dân.
Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng bộ thị trấn Giang Tiên tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tận dụng những lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế dịch vụ, thương mại. Phấn đấu đến năm 2015, giá trị dịch vụ thương mại chiếm hơn 80% tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của thị trấn.