Tạo bước phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp

13:41, 18/10/2010

Vụ mùa năm 2009, lần đầu tiên Thái Nguyên sản xuất thành công hạt giống lúa lai F1. Ông Nguyễn Đình Ngoạt, Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp tỉnh cho rằng: Việc sản xuất thành công hạt giống lúa lai F1 sẽ giúp tỉnh ta chủ động được nguồn giống lúa lai cung ứng cho nông dân sản xuất. Nối tiếp vụ mùa năm 2009, vụ mùa năm nay, Thái Nguyên tiếp tục sản xuất thành công gần 50ha hạt giống lúa lai F1, tổ hợp VL24, VL20 và TH3-3.

 

Việc sản xuất thành công hạt giống lúa lai F1 chỉ là một trong rất nhiều thành tựu trong sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh ta trong giai đoạn 2005-2010. Ngoài thành công trên, trong 5 năm qua, Thái Nguyên còn đạt nhiều kết quả quan trọng trong lĩnh vực này, như: Hoàn thành tốt các chương trình, dự án, đề án và công trình trọng điểm mà cụ thể là Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2006-2010; Đề án phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè giai đoạn 2006-2010; Đề án nâng cấp hệ thống sản xuất giống nông, lâm nghiệp, thủy sản ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2006-2010; hoàn thành xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh… Cơ cấu nội ngành tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tiến bộ, năm 2006, cơ cấu kinh tế ngành là nông nghiệp: 95,69%, lâm nghiệp: 2,19%, thủy sản: 2,12%, trong đó ở khu vực nông nghiệp, trồng trọt chiếm 64,17%, chăn nuôi: 28,92%, dịch vụ: 6,91% thì đến năm 2009, cơ cấu kinh tế ngành là nông nghiệp: 95,98%, lâm nghiệp: 1,95%, thủy sản: 2,07%, trong đó ở khu vực nông nghiệp thì trồng trọt chiếm 60,82%; chăn nuôi: 31,53%; dịch vụ: 7,66%. Dự báo trong năm 2010, cơ cấu kinh tế ngành đạt: nông nghiệp: 91%. lâm nghiệp: 5%, thủy sản: 4%.

 

Cùng với đó, Thái Nguyên tiếp tục chuyển dịch thành công, có hiệu quả cơ cấu mùa vu. Từ năm 2006 đến nay, trong vụ xuân, diện tích cấy lúa xuân sớm tăng lên đến 95%; trong vụ mùa, diện tích cấy lúa mùa sớm tăng lên đến 60-70% đã góp phần đưa năng suất các loại cây trồng tăng; nhiều giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao như các giống lúa lai, ngô lai đã được đưa vào sản xuất trên diện rộng. Cơ cấu mùa mùa vụ chuyển dịch tạo thuận lợi để phát triển cây vụ đông và cây trồng trên đất 1 vụ tăng; đồng thời tăng diện tích lúa cao sản… Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế trong nông, lâm nghiệp đã chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất, chất lượng, giá trị cao; tỷ lệ giống cây trồng mới ngày một tăng. Năm 2006, toàn tỉnh mới có 16.366 ha chè, trong đó diện tích cho thu hoạch là 14.688ha, sản lượng 129.913 tấn, thì đến năm 2009, diện tích chè đạt 17.309ha, trong đó diện tích cho sản phẩm là 16.053ha, sản lượng chè búp tươi đạt 158.702 tấn, tăng trên 43% so với năm 2006. Cơ cấu vật nuôi cũng chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung với quy mô lớn, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Giá trị sản xuất của ngành Chăn nuôi trong giai đoạn 2006-2010 tăng, bình quân đạt 9,44%/năm; các giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao, năng suất, chất lượng như lợn ngoại, bò lai sind được đưa vào chăn nuôi thay thế các giống cũ. Hình thức chăn nuôi theo quy mô trang trại công nghiệp phát triển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 450 trang trại chăn nuôi tập trung bằng các giống ngoại lai.

 

Một điểm nhấn quan trọng nữa trong sản xuất nông, lâm nghiệp ở Thái Nguyên trong những năm qua là việc chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế. Theo đó, kinh tế hợp tác xã (HTX) và kinh tế trang trại là 2 loại hình kinh tế mà tỉnh đang tiếp tục quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 129 HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và 638 trang trại, dự kiến đến hết năm 2010 sẽ có 150 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và 715 trang trại. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn cũng được chú trọng đầu tư xây dựng, nhiều công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, kiên cố hóa kênh mương, các hệ thống kênh chính và nội đồng được nâng cấp (đến nay, toàn tỉnh có trên 1.430km kênh mương được kiên cố hóa). Các trạm, trại sản xuất giống được đầu tư, từng bước đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh từng địa phương, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần cải thiện đời sống người dân…

 

Đạt được kết quả trên là một sự nỗ lực rất lớn của Thái Nguyên bởi theo ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, trong những năm gần đây, cũng như các tỉnh ở miền Bắc, sản xuất nông, lâm nghiệp của Thái Nguyên phải đối mặt với nhiều khó khăn như thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp; dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm và cây trồng tăng, có nguy cơ bùng phát ở một số địa phương; giá vật tư phân bón tiếp tục tăng cao trong khi giá bán một số mặt hàng nông sản không tăng, thị trường tiêu thụ chưa mở rộng… Song song với đó là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội ngành ở một số lĩnh vực còn chậm, chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán vẫn còn phổ biến, tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp chưa cao… Bởi vậy, trong nhiệm kỳ tới (2010-2015), Thái Nguyên sẽ phải phát huy những thuận lợi, chủ động khắc phục mọi khó khăn để sản xuất nông, lâm nghiệp có sự bứt phá mạnh mẽ hơn. Cụ thể: Phấn đấu giá trị sản xuất ngành Nông - Lâm nghiệp tăng 6,5%/năm; đến năm 2015, cơ cấu ngành Nông - Lâm nghiệp - Thủy sản là: Nông nghiệp chiếm 95%, Lâm nghiệp chiếm 2,2%, Thủy sản chiếm 2,8%; xây dựng được 20% xã đạt tiêu chí nông thôn mới và thu nhập của người dân nông thôn tăng gấp 1,5 lần so với hiện nay; duy trì độ che phủ của rừng trên 50%; mỗi năm trồng mới, trồng lại 600ha chè…