Tiềm năng nuôi trồng thủy sản ở Phổ Yên chưa được khai thác

09:50, 11/10/2010

Huyện Phổ Yên hiện có 330ha diện tích mặt nước, đây là điều kiện tốt để huyện phát triển ngành thủy sản. Tuy nhiên, cho đến nay trong cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện thì thủy sản lại chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ bé là 2,8%. Điều này chứng tỏ, bà con ở đây chưa coi trọng nghề này…

 

Theo chân cán bộ khuyến nông huyện, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá lóc bông của gia đình ông Đồng Đức Thao, thôn Việt Hùng, xã Đông Cao. Đứng trên bờ, ông Thao vứt vài miếng gan lợn xuống ao rồi vỗ tay mấy cái, đàn cá nhào vào thi nhau đớp mồi trông thích mắt. Bắt một con cá giơ cho chúng tôi xem, ông Thao cho biết: Lứa lóc bông này đã được 5 tháng tuổi, mỗi con có trọng lượng trên 1kg, cứ đà phát triển này, cho đến trung tuần tháng 11 chúng sẽ đạt trọng lượng khoảng 2kg/con khi đó tôi sẽ thu hoạch. Trước đây, ông Thao cũng như bao gia đình khác, có diện tích mặt ao nhưng không biết đầu tư nuôi cá, hằng năm ông cũng mua cá giống về thả nhưng mỗi loại thả một ít và không đầu tư thức ăn cho cá.

 

Ông bắt đầu nuôi cá lóc bông từ năm 2006, khi huyện triển khai mô hình nuôi cá lóc bông. Khi đó, ông tham gia nuôi 1.000 con giống và thả một số loại cá khác như: Chép đỏ, rô phi, mè, trắm… Lứa đầu tiên, ông đã thu 1 tấn cá lóc bông bán được 38 triệu đồng, cùng với bán các loại cá khác, gia đình ông thu nhập trên 40 triệu đồng. Thấy được hiệu quả kinh tế từ việc thả cá lóc bông, từ đó mỗi năm ông đều thả 1.000 con giống. Năm nay, giá cá lóc bông lên cao, theo tính toán của ông thì ông sẽ thu trên 60 triệu đồng.

Gia đình chị Trần Thị Huyền, xóm Hương Đình, xã Tân Hương cũng đã tận dụng trên 600m2 diện tích mặt ao để chăn nuôi cá rô phi đơn tính. Đây cũng là một trong những mô hình nằm trong Dự án nhân rộng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính của huyện được triển khai từ tháng 5-2010. Tham gia Dự án, chị được hỗ trợ 60% giá giống và 40% chi phí thức ăn, chính vì vậy chị đã nuôi 1.200 con giống và thực hiện quy trình kỹ thuật chăn nuôi cá bằng cám công nghiệp. Đến nay, trọng lượng trung bình mỗi con đạt khoảng 0,4-0,45kg, tổng sản lượng đạt trên 5 tạ. Theo giá thị trường hiện nay thì  gia đình anh đã thu trên 10 triệu đồng, đấy là chưa kể từ nay đến lúc thu hoạch cá sẽ còn lớn thêm, trọng lượng dự kiến đạt khoảng 0,5kg/con.

 

Để khẳng định thêm hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi cá, bà Nguyễn Thị Chín, Trưởng Trạm khuyến nông huyện cho biết: Từ năm 2006, huyện đã xây dựng 19 mô hình nuôi cá lóc bông với diện tích 0,8ha và 41 mô hình nuôi cá rô phi dòng Gift với quy mô 2ha. Sau khi tổng kết mô hình nuôi cá lóc bông cho kết quả là: 1ha mặt nước thu được trên 550 triệu đồng, vượt so với kế hoạch dự án đề ra, cho lãi gần 149 triệu đồng. Đối với mô hình nuôi cá rô phi dòng Gift cho tổng thu nhập trên 100 triệu đồng/ha, lãi dòng trên 76 triệu đồng/ha. Kết quả này cho thấy ngành nuôi trồng thủy sản có thể phát triển tốt ở địa phương.

 

Qua các mô hình trên,  không thể phủ nhận hiệu quả kinh tế mà ngành thủy sản mang lại. Thế nhưng cho đến nay, nghề nuôi trồng thủy sản vẫn chưa phát triển ở Phổ Yên mà thậm chí còn teo tóp hơn sau khi dự án kết thúc. Trong số các hộ tham gia mô hình nuôi cá lóc bông hiện nay chỉ còn 3 hộ tiếp tục chăn thả. Theo ông Đồng Đức Thao thì nguyên nhân mà các hộ không mặn mà với con cá lóc bông là bởi chi phí nuôi loại cá này khá tốn kém, đây là loại cá ăn thịt, thức ăn của chúng là các loại cá nhỏ, gan lợn, thịt lợn… như mô hình nhà tôi thì hiện nay cá đang trong giai đoạn phát triển mạnh nên chúng ăn khỏe, mỗi ngày tôi phải đầu tư khoảng 20kg gan lợn, chi phí hết trên 400 nghìn đồng. Thế nên hộ nào có điều kiện về kinh tế mới có khả năng nuôi cá lóc bông. Lý do mà ông Thao đưa ra nghe có vẻ hợp lý, song nó lại không hợp lý đối với những hộ nuôi cá rô phi bởi loại cá này không tốn kém tiền thức ăn nhiều. Để đáp ứng nhu cầu thức ăn của 1.200 con cá rô phi, mỗi ngày gia đình chị Huyền chăn hết khoảng 10kg cám công nghiệp, chi phí hết trên 100 nghìn đồng. Thế nhưng sau khi kết thúc dự án, không còn sự hỗ trợ về giống và thức ăn chăn nuôi, các hộ tham gia mô hình nuôi cá rô phi dòng Gift cũng rơi dụng dần đến nay chỉ còn vài hộ. Hầu hết các hộ này lại quay về chăn nuôi cá theo cách cũ. Đó là, bỏ mặc chúng tự tìm kiếm nguồn thức ăn dưới ao, thỉnh thoảng mới cắt cỏ và đổ ít phân súc vật xuống. Điều này cho thấy, bà con còn chưa chủ động trong việc chuyển đổi vật nuôi, còn ỷ lại trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Và kết quả là hầu hết các hộ chăn nuôi theo cách này đều không cho thu nhập, mà chỉ để cải thiện bữa ăn gia đình.

 

Đến nay toàn huyện hiện có 330ha diện tích mặt ao, tập trung ở các xã như: Hồng Tiến, Đồng Tiến, Tân Hương, Đông Cao… Thế nhưng các hộ đầu tư vào chăn nuôi cá lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, không kể các hộ tham gia dự án nhân rộng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính vừa được triển khai tháng 5-2010. Làm gì cũng cần có sự đầu tư, thiết nghĩ để phát triển kinh tế, trước tiên bà con cần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, các cấp, ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, quan tâm hơn nữa đến việc nhân rộng mô hình dự án đã được đánh giá là hiệu quả kinh tế cao.