Những ngày này, câu chuyện được cán bộ và người dân xóm Phú Lâm (xã Kha Sơn, Phú Bình) dành nhiều sự quan tâm đó chính là việc chuẩn bị xây dựng cổng làng nghề trước khi đón Bằng công nhận làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Phú Lâm.
Dự kiến xây dựng cổng làng nghề trị giá hơn 53 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 13 triệu đồng, số còn lại do nhân dân đóng góp. Ông Nguyễn Hữu Quảng, Bí thư Chi bộ xóm rất tự tin khi cho biết, chỉ với 88 hộ dân thì đây không phải là số tiền nhỏ, tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết việc vận động này chắc chắn sẽ thành công.
Nghề mộc bắt đầu xuất hiện ở xóm Phú Lâm cách đây hơn 10 năm, nhưng chỉ thực sự phát triển trong khoảng 3 năm trở lại đây. Ban đầu, cả xóm chỉ có 2-3 hộ tham gia làm nghề, chuyên đóng những đồ dùng đơn giản trong gia đình. Dần dần, những thanh niên theo học tại các làng nghề Đồng Kỵ, Phù Khê, Mai Động (Bắc Ninh) nhận thấy có khả năng “dụng võ” tại quê nhà nên sau khi thành nghề đã trở về nhà mở xưởng sản xuất. Đến nay, Phú Lâm đã có 35 hộ mở được xưởng sản xuất. Trong số này, có cơ sở chuyên về đục, có cơ sở chuyên về chạm khảm và có cơ sở thực hiện đẩy đủ các công đoạn. Trung bình, mỗi xưởng sản xuất giải quyết việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động. Vào thời kỳ cao điểm (những tháng giáp Tết), số lao động có thể tăng gấp 1,5 - 2 lần. Với đức tính cần cù, ham học hỏi, sản phẩm do những người thợ ở đây làm ra vừa đảm bảo về chất lượng, vừa phong phú về chủng loại, đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng. Chính vì thế, nhiều xưởng sản xuất trong làng đã tìm được chỗ đứng ngay trên mảnh đất Bắc Ninh truyền thống, cũng như ở nhiều địa phương khác.
Cùng với nghề mộc, một số nghề khác cũng đã và đang mang lại thu nhập chính cho nhiều gia đình nơi đây như: làm nón, làm đậu, làm hàng xáo…
Dù có nghề phụ nhưng các hộ dân trong xóm vẫn duy trì việc chăn nuôi và trồng trọt, do đó, đời sống kinh tế của các hộ dân thay đổi khá nhanh và bền vững. Hiện số hộ khá, giàu của xóm chiếm gần 57%; số hộ nghèo chỉ còn chiếm 4,6% (4 hộ), còn lại là hộ trung bình.
Khi được hỏi điều đáng quý nhất ở xóm là gì? Nhiều người dân nơi đây đều có chung câu trả lời đó là tinh thần đoàn kết, biết thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau. Cũng chính vì thế, mà ngay từ năm 1994, Phú Lâm đã là một trong số ít xóm của Kha Sơn xây được nhà văn hóa 5 gian trị giá 22 triệu đồng; trong 2 năm (2007-2008), đã kiên cố được 100% đường bê tông của xóm, trị giá gần 400 triệu đồng. Đến năm 2009, từ sự huy động đóng góp của người dân và con em địa phương đã ra ngoài công tác, bà con nơi đây đã tu sửa, nâng cấp được ngôi đình của xóm trị giá 164 triệu đồng. Trong đợt vận động đóng góp để xây cổng làng nghề lần này, xóm vận động, mỗi hộ làm nghề thủ công mỹ nghệ ủng hộ từ 500 nghìn đồng trở lên; đồng thời, huy động sự đóng góp, ủng hộ của tất cả các hộ dân trong xóm.
Anh Đàm Thế Thụ, chủ cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ của xóm cho biết: Cũng như những người dân khác, tôi rất tự hào vì xóm được đón nhận bằng công làng nghề; việc đóng góp kinh phí để xây cổng làng nghề là trách nhiệm của mỗi cơ sở sản xuất chúng tôi. Hiện, cơ sở sản xuất của tôi giải quyết việc làm cho 8 lao động, trong đó có 4 lao động trực tiếp làm tại xưởng của gia đình, 4 người nhận việc về nhà làm, với mức lương trung bình 80 nghìn đồng/người/ngày. Tôi tin rằng, việc xóm được công nhận là làng nghề sẽ giúp cho việc sản xuất, kinh doanh của gia đình tôi thuận tiện, dễ dàng hơn. Anh Thụ cũng rất tự hào khi nói về sự đổi thay của xóm mình: Trong xóm, nhà ai có việc vui hay buồn đều nhận được sự quan tâm, chia sẻ của mọi người, mọi nhà. Các khoản thu, chi đều được công khai, minh bạch; mọi việc đều được bàn bạc dân chủ với người dân. Bởi thế, ở Phú Lâm chưa bao giờ xảy ra tình trạng kiện cáo, thắc mắc. Điều này cũng được anh Tạ Thành Phương, một trong những hộ sản xuất, chăn nuôi giỏi của xóm đồng tình, ủng hộ: Người dân xóm tôi rất biết thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Dù không làm nghề sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ nhưng việc xóm được công nhận là làng nghề cũng khiến anh Phương thấy vui và tự hào. Anh Phương nói, khi nào xóm chính thức huy động sự đóng góp của các gia đình, chúng tôi sẵn sàng tham gia với trách nhiệm cao nhất.
Không chỉ quan tâm, chăm lo đến việc lãnh đạo người dân phát triển kinh tế và các mặt của đời sống xã hội, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền xóm Phú Lâm còn làm tốt công tác phát triển Đảng. Từ năm 2004 đến nay, trung bình mỗi năm, Chi bộ kết nạp được 1 đảng viên. Đây là một trong những kết quả rất đáng ghi nhận của Chi bộ xóm Phú Lâm, bởi trên thực tế, chỉ tiêu này rất khó thực hiện đối với phần lớn các chi bộ ở nông thôn, vì nguồn để kết nạp Đảng trong những năm trở lại đây rất hiếm. Phú Lâm cũng là một trong những chi bộ của xã Kha Sơn nhiều năm liên tục được công nhận là Chi bộ trong sạch, vững mạnh. Cùng với đó là sự hoạt động tương đối đều tay của các hội, đoàn thể. Những điều này đã góp phần quan trọng trong việc củng cố, tăng cường sức mạnh cho các phong trào chung của tập thể, cũng như tinh thần đoàn kết trong nhân dân.
Để làng nghề ngày càng phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân, đồng chí Nguyễn Hữu Quảng “tiết lộ”: Từ khi biết xóm được công nhận là làng nghề, chúng tôi đã nghĩ đến việc đứng ra thành lập hợp tác xã hoặc hình thành 1 tổ hợp tác sản xuất để có sự ràng buộc, liên kết giữa các xưởng nghề của xóm trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, từ đó tạo ra và phát triển thương hiệu làng nghề Phú Lâm. Hiện, xóm còn có một lượng khá lớn thanh niên đang theo học tại các làng nghề cũng sẽ là điều kiện tốt để làng nghề Phú Lâm ngày càng mở rộng, phát triển.