Vì mục tiêu chăn nuôi an toàn, bền vững

08:41, 07/10/2010

Thái Nguyên vừa đưa ra định hướng phát triển chăn nuôi giai đoạn từ nay đến năm 2020 với mục tiêu chính là đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi, nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Trong đó khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại có quy mô lớn, đảm bảo an toàn và phát triển bền vững.

 

Năm 2009, sản lượng lương thực của tỉnh vượt ngưỡng 400 nghìn tấn, góp phần bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn và là điều kiện, cơ bản để ngành Nông nghiệp xây dựng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội ngành, tập trung cho phát triển chăn nuôi và nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao khác. Hiện, trên địa bàn tỉnh có trên 150 nghìn con trâu, bò; gần 600 nghìn con lợn; trên 6 triệu con gia cầm. Mặc dù gặp dịch bệnh, thiên tai, rét hại thường xuyên diễn ra, nhưng trong giai đoạn 2006 - 2009, tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi vẫn đạt khá cao, trung bình 6%/năm. Riêng năm 2009, giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi đạt gần 2.000 tỷ đồng, tương đương với 31,53% giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp.

 

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực song chăn nuôi của Thái Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Đây chính là lý do tỉnh xây dựng Quy hoạch phát triển chăn nuôi đến năm 2020. Quy hoạch này sẽ được thực hiện gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo đó, tốc độ tăng trưởng sản xuất ngành chăn nuôi bình quân thời kỳ 2011-2015 phấn đấu đạt 12%/năm; từ năm 2016 đến 2020 phấn đấu đạt 9%/năm. Giá trị sản xuất ngành Chăn nuôi năm 2015 đạt 4.096 tỷ đồng, chiếm 37,2% giá trị sản xuất nông nghiệp, đến năm 2020 sẽ đạt 7.390 tỷ đồng, chiếm gần 45% giá trị sản xuất nông nghiệp.

 

Cũng theo quy hoạch này, đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 1.105 nghìn con lợn, 106 nghìn con bò, gần 81 nghìn con trâu và 8.850 nghìn con gia cầm; sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 140 nghìn tấn. Chăn nuôi sẽ tiếp tục phát triển theo hướng trang trại tập trung với phương thức chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, tỷ lệ chăn nuôi tập trung: đàn lợn 35%, trâu 25%, bò thịt 25%, gia cầm 55% tổng đàn. Về chất lượng đàn vật nuôi, tỷ lệ giống nạc 85%, bò lai Zebu 57,4%, gia cầm 90% tổng đàn. Ngoài ra, việc giết mổ gia súc, gia cầm tập trung cũng sẽ được quan tâm. Cụ thể, đến năm 2020, tỉnh ta phấn đấu có 22 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo hình thức công nghiệp. Trong đó, T.P Thái Nguyên sẽ thành lập 5 cơ sở, huyện Đại Từ 3 cơ sở, các huyện, thị còn lại mỗi đơn vị 2 cơ sở.

 

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để thực hiện theo quy hoạch chăn nuôi hiệu quả đòi hỏi tỉnh ta phải thực hiện các giải pháp đồng bộ. Trong đó, giải pháp được đưa lên hàng đầu là công tác thú y và phòng chống dịch bệnh. Đây là giải pháp đột phá, quan trọng nhằm nâng cao năng lực phòng, chống một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia súc, gia cầm; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra thú y, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi...

 

Bên cạnh đó, là thực hiện quy hoạch chăn nuôi tập trung. Theo đó, các địa phương rà soát lại quỹ đất, xác định cụ thể những vùng phát triển trang trại chăn nuôi theo quy hoạch. Đồng thời căn cứ vào tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng chuồng trại, môi trường và vệ sinh thú y. Việc quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung, giết mổ, chế biến phải phù hợp với tổng thể quy hoạch của địa phương gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y, môi trường, phát triển an toàn, bền vững. Các trang trại chăn nuôi tập trung xây dựng trước, không nằm trong vùng quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung của địa phương, có công nghệ lạc hậu, không bảo đảm vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường, không khắc phụ được buộc phải giải thể hoặc ưu tiên di dời trước đến vùng quy hoạch...

 

Về thực hiện giải pháp giống vật nuôi, lựa chọn, quản lý các loại giống vật nuôi chất lượng cao…. Đối với giải pháp kỹ thuật công nghệ, sẽ tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi, hạ giá thành, tạo thế cạnh tranh… Về thức ăn chăn nuôi, tỉnh sẽ khuyến khích các nhà đầu tư xây mới và mở rộng các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm hiện có trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi trong tỉnh và tiêu thụ ngoại tỉnh; đồng thời phát triển diện tích trồng cỏ thâm canh cũng như tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và diện tích chăn thả tự nhiên để cung cấp thức ăn thô xanh cho đàn gia súc, gia cầm. Về công tác khuyến nông, sẽ xây dựng chương trình, dự án khuyến nông về lĩnh vực chăn nuôi… Đối với công tác tài chính tín dụng và đất đai, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ cơ sở hạ tầng đường, điện, nước, xử lý môi trường cũng như tạo điều kiện trong quá trình vay vốn, giao đất, thuê đất theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở sản xuất giông, chăn nuôi trang trại, công nghiệp và cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến công nghiệp nằm trong vùng được quy hoạch...

 

Song song với đó, để thực hiện có hiệu quả quy hoạch phát triển chăn nuôi đến năm 2020, Thái Nguyên sẽ quan tâm đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức sản xuất chăn nuôi, phát triển thị trường tiêu thụ ra tỉnh bạn cũng như các nước trên thế giới....