Từ lâu, mỳ gạo Cau Lầu đã trở thành một đặc sản có tiếng của xóm Nản, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa). Thời điểm thịnh vượng nhất, cả xóm có hơn 80% gia đình làm mỳ với sản lượng cả tấn mỳ khô mỗi ngày. Thế nhưng, hiện nghề làm mỳ gạo nơi đây đang ngày càng mai một và có nguy cơ biến mất.
Ông Lương Văn Thơm (70 tuổi), người dân trong xóm cho biết: Mỳ gạo Cau Lầu được sản xuất từ gạo Bao thai của địa phương. Các công đoạn xay bột, tráng bánh và cắt bánh trong quy trình sản xuất mỳ trước đây đều được thực hiện thủ công rất cầu kỳ, những cơ sở sản xuất trong xóm đều không sử dụng hàn the, thuốc tẩy và các chất phụ gia để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, mỳ gạo Cau Lầu nổi tiếng tiếng thơm ngon. Khi nấu chín, sợi mỳ dẻo, dai không bị nát, sản phẩm làm ra không đủ cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, lợi nhuận từ việc làm mỳ không cao, lại do thiếu nguồn nguyên liệu nên nhiều gia đình đã dần bỏ nghề. So với thời điểm cách đây 10 năm, số cơ sở làm mỳ gạo ở xóm Nản đã giảm từ hơn 30 hộ xuống còn 3 hộ.
Chúng tôi đã đến thăm cơ sở sản xuất của gia đình chị Phạm Thị Hà, xóm Nản dưới. Mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt đỏ ửng, chị Hà đang xay bột để chuẩn bị cho mẻ bánh sáng hôm sau. Chị chia sẻ: Quy trình sản xuất tương đối cầu kỳ, bắt đầu bằng việc vo gạo, nghiền bột từ chiều hôm trước, tiếp đó là ngâm bột để tráng và phơi bánh vào sáng hôm sau (phải sấy bằng than củi nếu thời tiết không có nắng). Trong quá trình phơi sấy, phải trở bánh liên tục và chần một lớp mỡ lợn đã rán khi bánh gần khô. Tiếp đó, gấp lại và thái thành sợi, tiếp tục phơi đến khô hẳn và bó lại thành mớ. Thời gian để hoàn tất các công đoạn làm mỳ mất 2 ngày, mỗi đợt như vậy, sơ sở của chị Hà chế biến được từ 40 đến 50 kg gạo (được khoảng 45 kg mỳ). Theo chị Hà: Giá bán 1 kg mỳ Cau Lầu hiện nay khoảng 28 nghìn đồng, tính thu nhập của một lao động làm mỳ chỉ khoảng 45 đến 50 nghìn đồng/ngày, thấp hơn so với các công việc khác nên nhiều gia đình không còn mặn mà với nghề này.
Cũng như chị Hà, cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Ninh, xóm Nản trên và ông Vũ Văn Cường, xóm Nản dưới chỉ sản xuất cầm chừng từ 15 đến 20 kg gạo mỗi lần theo đặt hàng của khách với mong muốn duy trì nghề của gia đình. Bà Ninh cho biết: Các công đoạn làm bánh, nhất là tráng bánh, phơi bánh và ủ... phải thực hiện kỹ thuật mới đảm bảo chất lượng, điều này phải là người trong nghề mới đúc rút ra được. Trước đây, một số cơ sở làm không đúng kỹ thuật và không sử dụng gạo Bao thai Định Hóa để sản xuất nhằm tăng lợi nhuận đã làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm mỳ gạo địa phương. Thêm nữa, công đoạn sấy mỳ phải sử dụng than củi, trong khi, hiện giá củi (thường là củi nghiến) lên tới 120 nghìn đồng/1 tạ và cũng không có nguồn để mua khiến việc sản xuất mỳ đôi khi bị gián đoạn.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Chợ Chu cho biết: Nghề làm mỳ gạo ở xóm Nản đang gặp nhiều khó khăn, bà con chủ yếu sản xuất theo đặt hàng của khách hoặc tự bán ngoài chợ với số lượng hạn chế. Việc chưa đăng ký được thương hiệu khiến mỳ gạo Cau Lầu chưa có chỗ đứng trên thị trường và hiệu quả kinh tế từ nghề còn thấp. Trong chuyến công tác mới đây tại huyện Định Hóa, đồng chí Phạm Xuân Đương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Định Hóa cần khôi phục và phát triển các làng nghề, trong đó có nghề làm mỳ gạo ở xóm Nản để tạo ra các sản phẩm đặc trưng, gắn với phát triển du lịch của huyện. Địa phương cần có cơ chế hỗ trợ để các cơ sở làm mỳ gạo khôi phục sản xuất, giữ được chất lượng vốn có của mỳ gạo Cau Lầu, tiến tới thành lập làng nghề sản xuất mỳ gạo truyền thống ở đây... Hy vọng, trong thời gian tới nghề làm mỳ gạo tại xóm Nản sẽ sớm phát triển trở lại, để tiếp tục là một đặc sản của quê hương Định Hóa và trở thành thương hiệu trên thị trường.