Để khuyến khích trang trại phát triển bền vững

09:50, 15/11/2010

Những năm qua, mô hình kinh tế trang trại nông nghiệp ở Phú Lương ngày càng được mở rộng và phát triển đã giúp người dân nơi đây từng có thu nhập khá trên mảnh đất quê hương. Tuy nhiên, do mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, thiếu vốn đầu tư và sự liên kết trong việc tiêu thụ sản phẩm nên hầu hết các trang trại chưa đạt được hiệu quả như mong muốn…

 

Xã Phấn Mễ là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế trang trại của Phú Lương. Đồng chí Bí thư Đảng ủy Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Từ năm 2005 trở lại đây, ngoài cấy lúa, trồng màu, nhiều nông dân trong xã đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để phát triển kinh tế trang trại. Toàn xã có 55 trang trại chăn nuôi. Với tinh thần chịu khó, cần cù, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã có không ít trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đáng kể vào việc xoá đói, giảm nghèo. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân Phấn Mễ đã có những thay đổi rõ nét. Thu nhập bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng/năm; số hộ nghèo giảm từ 554 hộ (năm 2006) xuống còn 294 hộ hiện nay... Theo lời giới thiệu của đồng chí Sơn, chúng tôi tìm đến trang trại của anh Hoàng Văn Ngay, xóm Dộc Mấu 1. Anh Ngay tâm sự: Năm 2006, gia đình tôi đầu tư 350 triệu đồng xây dựng 400m2 chuồng để nuôi lợn. Để biết cách phòng, chống dịch bệnh, tôi đã tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức. Nhờ đó, tôi đã biết tiêm phòng định kỳ các loại bệnh cho lợn như: suyễn, tả, tụ huyết trùng… Hiện nay, gia đình tôi nuôi 40 lợn nái ngoại và 200 con lợn bột. Trung bình mỗi năm cho thu lãi 70 triệu đồng.

 

Cũng giống như anh Ngay, mô hình trang trại của gia đình anh Nhâm Đức Hiền, xóm Giang Tân, thị trấn Giang Tiên cũng đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Với diện tích gần 10 ha, anh Hiền đã đầu tư xây dựng hơn 5.000 m2 chuồng trại nuôi lợn và bò sinh sản, bò thịt, trồng hơn 7 ha rừng và 1 ha chè. Trang trại của gia đình anh Hiền cho thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động thời vụ.

 

Để khuyến khích các trang trại phát triển, huyện Phú Lương đã tạo điều kiện cho các chủ trang trại được vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để đầu tư phát triển sản xuất, với số tiền 5 tỷ đồng. Ngoài ra, vốn tự có của các chủ trang trại cũng đạt khoảng 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi đến các hộ dân, trong đó, chú trọng ưu tiên đối với các chủ trang trại. Hiện, toàn huyện có 87 trang trại, trong đó có 62 trang trại đã được cấp Giấy chứng nhận. Các xã có nhiều trang trại, gồm: Phấn Mễ, Yên Lạc, Yên Đổ, thị trấn Đu… trong đó chiếm đa số là trang trại tổng hợp và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Phát triển kinh tế trang trại ở Phú Lương đã góp phần quan trọng trong khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai, lao động; nâng cao hiệu quả sử dụng đất trống, đồi trọc, tạo đà cho các hộ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Hầu hết các mô hình đều cho thu nhập khá, từ 50 đến trên 150 triệu đồng/năm.

 

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế ở cơ sở, chúng tôi nhận thấy, mặc dù phát triển khá đa dạng nhưng vốn đầu tư cho các trang trại còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của các chủ trang trại. Hầu hết vẫn là vốn tự có của gia đình, có tới đâu, người dân đầu tư tới đó. Sự liên kết giữa các trang trại trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn yếu, tư tưởng "mạnh ai nấy làm" khá phổ biến, dẫn tới chất lượng sản phẩm không cao, bị ép giá. Nhiều chủ trang trại chưa chưa có mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm nên thị trường tiêu thụ không ổn định, đa phần là bán cho các tư thương với khối lượng nhỏ. Việc xử lý môi trường của các trang trại cũng chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

 

Thiết nghĩ, để trang trại ở Phú Lương phát triển mạnh mẽ hơn, trong thời gian tới, huyện cần quan tâm hơn nữa đến công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà còn; đặc biệt là với những loại cây, con mới có giá trị kinh tế cao; có những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện để các trang trại được vay vốn với số lượng lớn hơn để mở rộng quy mô; quan tâm đến việc giải quyết đầu ra cho người dân; chú trọng  đến việc bảo vệ môi trường sống, góp phần đưa nông nghiệp nông thôn phát triển bền vững.