Chính phủ báo cáo Quốc hội về quản lý, sử dụng vốn tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nướcMột số tổng công ty kinh doanh thua lỗ liên tục, kéo dài nhưng hội đồng quản trị, tổng giám đốc không bị xử lý trách nhiệm, miễn nhiệm hoặc cách chức…, Chính phủ báo cáo sau một năm Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tại kỳ họp thứ sáu (tháng 11/2009).
Tại nghị quyết sau giám sát về nội dung nói trên, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ cần tiếp tục phân tích sâu sắc, đánh giá toàn diện, đầy đủ và chính xác hơn hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty đặc biệt.
Nợ phải trả của tập đoàn, tổng công ty là 813.435 tỷ đồng
Trong báo cáo đề ngày 1/11/2010 vừa được gửi đến Quốc hội, Chính phủ cho biết tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh của 81/91 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước (không bao gồm Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam - Vinashin) trong năm 2009 và 6 tháng đầu năm 2010.
Theo đó, đến 30/6/2010, vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty là 572.582 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 3,8% so với thực hiện năm 2009. Giá trị tổng tài sản là 1.518.999 tỷ đồng, tăng khoảng 4,8% so với năm trước.
Nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty năm 2009 là 813.435 tỷ đồng, Chính phủ cho biết.
Phần kết quả kinh doanh, báo cáo nêu, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty đến hết tháng 6 năm nay đạt 732.761 tỷ đồng, bằng 58,6% kế hoạch năm 2010. Lợi nhuận đạt 43.865 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm 2010.
Báo cáo cũng nêu rõ, tổng nộp ngân sách năm 2009 của các tập đoàn, tổng công ty đạt 189.467 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm nay là 97.671 tỷ đồng, bằng 58,2% kế hoạch năm.
Cũng theo báo cáo, giá trị kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2010 đạt 7,937 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu là 5,174 tỷ USD.
Hết năm 2009 đã có 16 tập đoàn, tổng công ty đầu tư ra nước ngoài với giá trị 3.888 triệu USD và đến 30/6 năm nay là 3.987 triệu USD, Chính phủ cho biết. Theo đó, giá trị tăng thêm chủ yếu do Tổng công ty Hàng không Việt
Trách nhiệm chưa cụ thể
Theo đánh giá của Chính phủ, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã có sự đổi mới về năng lực sản xuất, hiệu quả hoạt động, giữ được vai trò chủ đạo của nền kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế.
“Hoạt động của hầu hết các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có hiệu quả”, báo cáo nêu rõ.
Tuy nhiên, nhiều hạn chế, tồn tại đã được Chính phủ nhìn nhận. Đó là chức năng đại diện chủ sở hữu còn phân tán, chồng chéo nên trách nhiệm trong quản lý chưa rõ ràng.
Đặc biệt, những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước thường được phát hiện sau khi thanh tra, kiểm tra hoặc có khiếu nại, tố cáo. Công tác thanh tra, kiểm toán Nhà nước đối với tập đoàn, tổng công ty còn chồng chéo.
Liên quan đến những lo ngại đầu tư trái ngành của tập đoàn, tổng công ty của nhiều vị đại biểu Quốc hội, theo đánh giá của Chính phủ số tiền tham gia góp vốn vào ngân hàng thương mại cổ phần, công ty chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản… khá lớn, song không hiệu quả trong ngắn hạn. Và đặc biệt là “chưa thực sự hợp lý khi nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính còn hạn chế”.
Hạn chế cuối cùng được Chính phủ chỉ ra là chưa có chế tài và chưa kiên quyết xử lý những doanh nghiệp không báo cáo đầy đủ, kịp thời hoặc nhiều năm liên tục có sai sót trong công tác quản lý, điều hành, bị xếp loại doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ.
“Đồng thời, chưa thực sự gắn năng lực lãnh đạo với vị trí công tác nên một số tổng công ty kinh doanh thua lỗ liên tục, kéo dài nhưng hội đồng quản trị, tổng giám đốc không bị xử lý trách nhiệm, miễn nhiệm hoặc bị cách chức”, Chính phủ nhìn nhận.
Tuy nhiên, đã không thể tìm thấy tên những doanh nghiệp cụ thể để minh chứng cho nội dung báo cáo này.
Công tác cán bộ cũng là vấn đề đã được không ít đại biểu đề cập khi nói về hạn chế trong chỉ đạo điều hành nói chung và mổ xẻ về sai phạm của Vinashin nói riêng tại nhiều phiên thảo luận về kinh tế, xã hội vừa diễn ra.
Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm, báo cáo của Chính phủ về tính hình kinh tế, xã hội tại kỳ họp này đã nêu và phân tích phần khuyết điểm, hạn chế khá toàn diện, sát thực tế. Đặc biệt là nêu nguyên nhân chủ quan về quản lý và điều hành, nhưng tiếc rằng những điểm nêu trách nhiệm chưa cụ thể và chưa rõ ở một số vị trí. Khâu quản lý kinh tế và quản lý con người của là nguyên nhân rất quan trọng và trầm trọng, gây ra thất thoát tài sản tiền vốn, gây xói mòn lòng tin và sự xói mòn này đang càng tăng nhanh.
Bày tỏ sự đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Đức Kiên đã nhấn mạnh công tác cán bộ ở Vinashin. “Đối với Vinashin thì việc để quá lâu một cá nhân vừa là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, vừa là Tổng giám đốc, vừa là Bí thư Đảng ủy của tập đoàn thì đấy cũng là một trong những điều kiện tạo cho sai sót của Vinashin nặng nề hơn”, ông Kiên phân tích.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên cũng “tha thiết đề nghị trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ nên thành lập một cơ quan chuyên quản về quản lý phần vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp”.
Báo cáo Quốc hội, trong các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Chính phủ cho biết sẽ chỉ định một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm chính, thực hiện nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước và phân tích đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước.
Đồng thời, chấn chỉnh tình trạng các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư, mở rộng ngành nghề mới không liên quan đến ngành nghề chính. Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước, chỉ giữ lại những tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước có quy mô lớn. Kiên quyết giải thể, phá sản các doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh thua lỗ, mất vốn Nhà nước.
Chính phủ cũng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và phướng án sản xuất kinh doanh hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.