Để có thể nâng cao sức mua ở thị trường nông thôn, miền núi, vấn đề cơ bản là cần nâng mức thu nhập của người dân nơi này lên một cách bền vững.
Bộ Công thương vừa hoàn thiện Dự thảo Thông tư “Hướng dẫn thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại biên giới năm 2010”. Trong đó, nội dung được các doanh nghiệp và thương nhân quan tâm nhiều nhất là hỗ trợ kinh phí để “Tổ chức phân phối hàng Việt đến khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa”.
Cho dù đến lúc này, Thông tư mới đang là dự thảo nhưng cũng đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Từ các nhà quản lý, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và thương nhân cho đến người tiêu dùng. Thông tin được nhiều người quan tâm nhất là việc Nhà nước hỗ trợ gần như toàn bộ kinh phí để đẩy mạnh việc đưa hàng hóa Việt
Hai nội dung chủ yếu còn lại là đẩy mạnh đưa hàng Việt ra nước ngoài bằng cách xã hội hoá, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới và phát triển hệ thống phân phối hàng Việt sang các nước có chung biên giới.
Theo chương trình của Bộ Công thương, sẽ hỗ trợ khoảng 30 doanh nghiệp tổ chức các phiên bán hàng Việt từ 2 - 3 ngày theo quy mô vừa và nhỏ tại các huyện biên giới, miền núi vùng sâu, vùng xa. Các chi phí được hỗ trợ bao gồm 10 triệu đồng mỗi xe hàng mang hàng về bán, hỗ trợ 100 triệu đồng mỗi phiên tổ chức bán hàng gồm chi phí thuê địa điểm, tuyên truyền, quảng cáo, khánh tiết, điện nước, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an ninh, trật tự, công tác quản lý, nhân công phục vụ.
Hơn một năm qua, nhiều loại hàng hóa sản xuất trong nước đã và đang được doanh nghiệp chuyển về thị trường nông thôn rộng lớn và nhiều tiềm năng. Cho dù trước mắt, ở một số vùng nông thôn, người dân hoan hỉ với các đợt hàng nội ùn ùn kéo về, thậm chí là trên các xe hàng lưu động, nhưng đang có nhiều ý kiến băn khoăn về hiệu quả cách làm này.
Ví như, cách đưa hàng về như vậy có kéo dài mãi được không? Liệu bao lâu nữa các chuyến hàng như thế sẽ quay trở lại? Có thể nào hàng Việt về đây chỉ dừng lại ở các loại hàng tiêu dùng như hiện nay trong khi người dân nông thôn và miền núi cần rất nhiều thứ khác nữa, như phân bón, giống cây trồng vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thậm chí là xi măng, gạch ngói, sắt thép? Liệu rằng các doanh nghiệp với các xe hàng kia có đáp ứng được cách mua hàng trả chậm của người dân nông thôn, miền núi mua hàng bất cứ lúc nào rồi để đến cuối vụ - khi thu hoạch và tiêu thụ được nông sản, mới thanh toán mọi khoản nợ như các hộ tư thương vẫn thực hiện lâu nay ở khu vực này hay không? Và xa hơn nữa là với mức thu nhập còn khá thấp của người dân nông thôn, miền núi như hiện nay, liệu bao giờ mức tiêu thụ sẽ tăng.
Nhu cầu của thị trường nông thôn miền núi thì lớn nhưng khả năng thanh toán lại không tương xứng, thậm chí rất thấp so với nhu cầu. Với đặc điểm này, hàng hoá về khu vực này buộc phải có mức giá rẻ hoặc rất hợp lý với người mua nhưng lại phải đảm bảo được chất lượng. Một yếu tố khác nữa là phải có một mạng lưới bán lẻ tin cậy luôn luôn sẵn có hàng hoá để phục vụ người dân và kèm đó là chế độ bảo hành cùng dịch vụ sau bán hàng. Hàng về nông thôn không thể một tháng đôi lần, cũng không thể nay có mai không.
Và xa hơn, để việc đưa hàng hoá về tiêu thụ ở thị trường nông thôn miền núi thực sự có tác dụng thì cần nâng mức thu nhập của người dân nơi này lên một cách bền vững. Yếu tố làm nên sự bền vững ấy là hỗ trợ sản xuất và nông sản mà khu vực này làm ra phải tiêu thụ được. Sự hỗ trợ ấy phải đến với người nông dân trực tiếp, thuận lợi và đầy đủ./.