Cây chè đã bén rễ ở xóm Hồng Thái II, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) từ hơn nửa thập kỷ nay nhưng chỉ thực sự phát triển mạnh từ năm 1999 đến nay. Theo ông Phạm Hồng Phong, Trưởng xóm thì ngoài thổ nhưỡng, khí hậu rất phù hợp với cây chè, Hồng Thái II còn có thuận lợi về giao thông, bởi tất cả đường đi, ngõ tắt của xóm đều đã được bê tông hóa, đường điện cũng đã được nâng cấp, thuận tiện cho việc đưa các loại máy móc vào phục vụ sản xuất chè.
Hồng Thái II hiện có 147 hộ dân với gần 570 nhân khẩu. 100% hộ dân trong xã đều có thu nhập chính từ cây chè (trung bình mỗi hộ có từ 5-7sào chè). Kế thừa kinh nghiệm chăm sóc và chế biến chè truyền thống của ông cha hơn nửa thập kỷ qua, các hộ dân nơi đây luôn phát huy những kinh nghiệm sẵn có và học hỏi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng chè. Xóm đã thành lập được Câu lạc bộ những người sản xuất giỏi và chế biến chè sạch, chè an toàn. Hằng năm, Hồng Thái II đều tham gia Hội thi sao chè ngon, an toàn do xã, thành phố tổ chức và đã có năm giành được cúp Vàng.
Chị Nguyễn Thị Nụ, một người dân trong xóm cho biết: Nhờ tích cực áp dụng các biện pháp thâm canh như bón phân cân đối, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước thường xuyên... nên năng suất, chất lượng chè của các hộ dân trong xóm đã tăng hơn trước. Trung bình mỗi sào chè cho thu 8 lứa/năm, mỗi lứa cho 30-40kg chè búp khô, cao hơn 5 năm trước 10-15kg/sào. Với giá bán như hiện nay (trung bình 100-150 nghìn đồng/kg), chúng tôi có thể lãi khoảng 10-20 triệu đồng/sào/năm).
Hiệu quả từ cây chè trên đất Hồng Thái II đã được chứng minh bởi từ sản xuất chè mà cuộc sống của người dân nơi đây đã khấm khá hơn những năm trước rất nhiều. Nay, hộ nào trong xóm cũng có xe máy, ti vi, xây được nhà kiên cố... Hầu hết các hộ dân trong xóm đều có đời sống kinh tế khá trở lên. Kinh tế ổn định, đời sống văn hóa được quan tâm, người dân có điều kiện để tham gia đóng góp làm các công trình công cộng. Xóm đã xây dựng được nhà văn hóa trị giá hàng trăm triệu đồng làm nơi giao lưu, hội họp và trao đổi kinh nghiệm trồng, chế biến và chăm sóc chè.
Tuy nhiên, cũng như những địa phương sản xuất chè trong tỉnh, người dân Hồng Thái II đang gặp phải một số khó khăn như: Giá bán sản phẩm lên xuống thất thường, trong khi giá các mặt hàng vật tư nông nghiệp, phân bón liên tục tăng cao khiến cho sản phẩm chè của các hộ dân nơi đây có lúc gặp không ít khó khăn trong quá trình tiêu thụ. Bà con mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc đầu tư các loại máy móc, thiết bị, kỹ thuật để có điều kiện sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap cũng như nâng cao trình độ chế biến và chất lượng chè đặc sản của địa phương; được tham gia các lớp tập huấn về trồng, chế biến, chăm sóc chè; cung cấp thông tin về thị trường chè đến bà con, giúp người dân kết nối được với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tiêu thụ chè, qua đó phát triển thương hiệu cho sản phẩm chè đặc sản của làng nghề chè Hồng Thái II.