Ở vùng quê nghèo như xã Thanh Định (Định Hóa), việc gia đình anh Bùi Đức Liên, xóm Thẩm Thia xây dựng được hệ thống chuồng trại chăn nuôi quy củ và mở được đại lý thức ăn gia súc “tầm cỡ” đã khiến không ít người thán phục. Nhờ năng động trong cách nghĩ, cách làm, gia đình anh đã vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng.
Anh Liên tâm sự: “Bố tôi tham gia chiến đấu và hy sinh tại chiến trường miền
Năm 2001, anh Liên cùng gia đình đã quyết định chuyển nhà từ xóm vùng cao Hùng Lập ra Thẩm Thia (gần trụ sở UBND xã) để tiện lợi cho việc phát triển kinh tế. Anh đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt. Vốn ít và chưa có kinh nghiệm nên anh chỉ dám nuôi một vài con. Sau đó, anh được tham gia lớp bồi dưỡng về thú y do huyện tổ chức. Kiến thức đã học được anh áp dụng vào thực tế gia đình. Cùng với đó, anh cũng tích cực tìm hiểu kiến thức qua sách báo, truyền hình và “học mót” kinh nghiệm chăn nuôi của các chủ trang trại khác. Từ đó, anh đã mạnh dạn tăng dần số lượng đàn lợn và xây dựng lại chuồng tại một cách khoa học, hợp lý. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu tận dụng thức ăn thừa của gia đình, anh đã chuyển sang chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp, với số lượng đàn lợn ổn định từ 50 đến 60 con mỗi lứa, mỗi năm xuất chuồng hàng chục tấn lợn thịt và hàng tấn thịt gia cầm.
Để thuận tiện cho việc vận chuyển cám của gia đình, đồng thời nhận thấy nhu cầu về dịch vụ vận tải của người dân trong và ngoài xã lớn nên năm 2007, anh Liên đã đầu từ mua xe ô tô tải trị giá trên 200 triệu đồng. Anh cho biết: “Để mua được xe, tôi phải “liều” vay mượn quá nửa số tiền nhưng nó rất hữu dụng cho công việc sản xuất và kinh doanh của gia đình”. Với phương châm “mua tận gốc, bán tận ngọn”, anh chủ động liên hệ với nhiều công ty và đại lý lớn để ký hợp đồng mua bán các loại cám. Với giá bán hợp lý, đại lý thức ăn gia súc của gia đình anh nhanh chóng trở thành địa chỉ tin cậy cho người chăn nuôi trong vùng. Trung bình mỗi tháng, đại lý của anh bán được 60-70 tấn thức ăn công nghiệp. Không dừng lại ở đó, anh còn tiếp tục mở rộng quy mô cửa hàng, mua thêm máy xay xát gạo để tổ chức thu mua, chế biến gạo, cám ngay tại nhà.
Từ chăn nuôi và các hoạt động dịch vụ, hiện mỗi năm, trừ chi phí, gia đình anh Liên thu lãi hàng trăm triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Liên còn giúp đỡ nhiều gia đình ở địa phương trong việc phổ biến khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm trong chăn nuôi, cũng như tạo điều kiện để họ được mua thức ăn theo phương thức trả chậm. Quyết tâm thoát nghèo với cách làm đúng hướng, hiệu quả của gia đình anh Liên rất đáng nhiều hộ dân tham khảo, học hỏi.