Kiểm soát chuyển giá

11:38, 29/11/2010

Bộ Tài chính đang triển khai một chương trình toàn diện đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để hạn chế tình trạng chuyển giá

 

Hơn 20 năm thực hiện chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), VN đang đứng trước sức ép chọn lọc vốn theo chất lượng thay vì chạy theo số lượng. Trong đó, đang nổi lên vấn đề ứng xử thế nào trước hiện tượng chuyển giá của doanh nghiệp (DN) FDI.

 

Bắt đầu truy thu

 

Theo một con số thống kê, năm 2009, cả nước có 56% trong tổng số 1.358 DN FDI đang hoạt động báo cáo lỗ. Các DN này đều có công ty mẹ tại nước ngoài, 99% hàng sản xuất được xuất khẩu sang nước thứ ba. Vì hạch toán lỗ nên DN tránh được thuế thu nhập và phí chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Do đó, số thuế ngân sách thu được từ các DN này không đáng kể.

 

Hiện tượng khai lỗ triền miên của các DN FDI trong nhiều năm nhưng không đóng cửa mà còn mở rộng quy mô đầu tư, suất đầu tư thường cao hơn mức thông thường khiến các cơ quan quản lý và giới chuyên môn từ lâu đã nghi ngờ về hiện tượng chuyển giá trong khu vực kinh tế này.

 

Năm 2005, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành thông tư hướng dẫn về việc chống chuyển giá của các công ty con VN sang công ty mẹ ở nước ngoài bằng phương pháp định giá chuyển giao giữa các bên có quan hệ liên kết.

 

Nhưng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, quá trình triển khai thực hiện rất khó khăn vì vật tư, nguyên liệu được chuyển từ nước ngoài với chứng từ nhìn trên sổ sách rất hợp pháp. Hơn nữa, khi gia nhập WTO, VN phải tuân thủ nguyên tắc chung là hủy bỏ áp bảng giá tối thiểu để xác định thuế. Thay vào đó là xác định thuế trên cơ sở giá trị theo chứng từ hóa đơn.

 

Để phù hợp tình hình thực tế và kiểm soát tốt hơn, năm 2010, Bộ Tài chính đã sửa đổi thông tư này, trong đó chú trọng hiện tượng chuyển giá đầu vào. Tính chung từ năm 2008 đến nay, Bộ Tài chính đã thanh tra 127 DN FDI báo cáo lỗ nhiều liên tục trong 3 năm và xác định khai lỗ không đúng thực tế. Số tiền truy thu về cho ngân sách là 1.450 tỉ đồng. Số tiền này không đáng kể so với quy mô và số lượng DN FDI khai lỗ ở VN.

 

Tăng cường kiểm soát

 

Trước hiện tượng chuyển giá và một số mặt trái trong thu hút vốn FDI, đã có ý kiến cho rằng nên hạn chế vốn FDI. Tuy nhiên, xu hướng chung cho rằng không nên giảm thu hút FDI để tạo nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng.

 

Thay vì hạn chế thu hút vốn, cần tăng cường các biện pháp kiểm soát hữu hiệu để hạn chế tình trạng chuyển giá. Hiện Bộ Tài chính đang triển khai một chương trình thanh tra toàn diện đối với DN FDI, đối chiếu với các chứng từ đầu vào và đầu ra, tham khảo giá trên thị trường thế giới (tham vấn giá) thông qua biện pháp xây dựng một cơ sở dữ liệu giá thế giới.

 

Bộ Tài chính cũng đang đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp chỉ đạo các cơ quan thương vụ, cơ quan tham tán và đại sứ quán nước ngoài sẵn sàng cung cấp thông tin có liên quan khi cơ quan thuế có yêu cầu để phối hợp chống chuyển giá.