Đây được xem là động thái cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi người dân, doanh nghiệp được thông tin một cách chính thức, rõ ràng và kiên quyết từ Chính phủ đối với mối lo ngại về sự leo thang của giá vàng và USD.
Một trong những thông tin đáng chú ý của ngày 4/11 - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - ông Lê Đức Thúy thông báo, thường trực Chính phủ đã có cuộc họp khẩn bàn về một số tình hình kinh tế vĩ mô, trong đó tập trung 2 vấn đề tỷ giá và lãi suất; đồng thời quyết định triển khai gói giải pháp nhằm ồn định thị trường và kinh tế vĩ mô. Đây được xem là động thái cần thiết trong bối cảnh hiện nay khi người dân, doanh nghiệp được thông tin một cách chính thức, rõ ràng và kiên quyết từ Chính phủ đối với mối lo ngại về sự leo thang của giá vàng và đô la Mỹ. Chính sự thông tin về chính sách như thế đã góp phần trấn an những lo ngại về sự mất giá của tiền đồng Việt Nam của người dân trong nhiều ngày qua.
Thông điệp đầu tiên của gói giải pháp này của Chính phủ là cương quyết không điều chỉnh tỷ giá như mọi lời đồn đoán những ngày vừa rồi. Đây là yếu tố mà thường trực Chính phủ xác định là tiên quyết và một lần nữa khẳng định, việc điều chỉnh tỷ giá trong bối cảnh hiện nay là không có lợi và sẽ để lại hệ luỵ khó lường, gây bất ổn trên thị trường, làm giảm lòng tin của người dân vào tiền đồng và chính sách điều hành kinh tế.
Sự kiên quyết không điều chỉnh tỷ giá của Chính phủ là có cơ sở vì thực tế đồng USD trên thị trường thế giới đang giảm, trong khi đó xuất khẩu tăng trưởng lên đến 23%, nhập siêu lại đang có xu hướng giảm. Nhất là nếu như điều chỉnh tỷ giá lạm phát sẽ chắc chắn còn cao hơn nữa. Với tác động dây chuyền, có thể đẩy lạm phát vượt khỏi 1 con số, và sẽ mất đi mục tiêu hàng đầu là ổn định vĩ mô, đó là kiểm soát lạm phát.
Một động thái khác mà giới phân tích thị trường và chuyên gia chờ đợi đã được Chính phủ hiện thực hoá, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước bán đầy đủ USD cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng một cách chính đáng. Tuy chưa biết cụ thể lượng ngoại tệ sẽ được Ngân hàng Nhà nước “bơm ra” là bao nhiêu, nhưng Chính phủ thông báo lượng tiền này chủ yếu phục vụ các nhu cầu vốn phục vụ hoạt động kinh tế cần thiết như xăng dầu, phân bón, thiết bị kỹ thuật…
Chính phủ khẳng định, trong điều kiện hiện nay hoàn toàn có đủ lượng dự trữ ngoại hối cần thiết để đáp ứng cho nhu cầu ngoại tệ phục vụ nhập khẩu các mặt hàng cần thiết như xăng dầu, phân bón… Đây được xem là biện pháp đã giải toả những lo âu của giới doanh nghiệp và cả người dân cho rằng, Nhà nước đang thiếu ngoại tệ.
Trong một nỗ lực nhằm ổn định vĩ mô, Chính phủ đã cho phép các ngân hàng không tiếp tục thực hiện yêu cầu giảm lãi suất mà để các ngân hàng thực hiện lãi suất tiền đồng theo thị trường. Có thể sẽ có lo ngại là sau quyết định thả nổi này, lãi suất có thể theo xu hướng tăng lên nhưng chắc chắn mức tăng này nằm trong dự liệu của Chính phủ. Thêm nữa, trong tình hình hiện nay, việc tăng lãi suất tiền đồng sẽ làm cho đồng Việt
Thông điệp của Chính phủ là như thế, nhưng rõ ràng, việc ổn định thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô phụ thuộc vào sự phối hợp nhịp nhàng trong thực thi chính sách của cơ quan chức năng. Thông tin mới nhất và đáng mừng là ngay sau khi có thông tin về việc Chính phủ sẽ can thiệp vào thị trường và triển khai các gói giải pháp, ngay chiều 4/11, giá vàng lập tức giảm nhiệt, thị trường USD đã có dấu hiệu dần đi vào ổn định. Rõ ràng, một khi có thông tin chính thức, có hành động quyết liệt và đúng đắn, yếu tố tâm lý chi phối thị trường vàng và USD đã được giải toả.
Vẫn biết để người dân tin vào tiền đồng không hề đơn giản. Điều cần làm về lâu dài và cũng là mấu chốt của toàn bộ vấn đề nằm ở chỗ ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó ổn định lạm phát, ổn định chính sách trong thời gian dài để xây dựng lại lòng tin của người dân đối với tiền đồng./.