Kinh tế đồi rừng mở hướng thoát nghèo

11:27, 14/11/2010

Sau 10 năm triển khai thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (còn gọi là Dự án 661), cùng với những cơ chế chính sách hợp lý, kinh tế đồi rừng đã giúp người dân Phú Lương mở hướng giảm nghèo nhanh và bền vững.

 

Bà Nông Thị Viên, Giám đốc Ban quản lý Dự án 661 huyện Phú Lương cho biết: Dự án 661 bắt đầu thực hiện trên địa bàn huyện từ năm 1998. Ban đầu, việc triển khai thực hiện Dự án gặp nhiều khó khăn do nghề trồng rừng đòi hỏi vốn lớn, chu kỳ sản xuất dài. Hơn nữa, người dân chưa có kinh nghiệm trong trồng, chăm sóc rừng; ý thức và trách nhiệm bảo vệ tài nguyên rừng còn hạn chế. Trước thực tế trên, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ trực tiếp về chuyên môn của Ban quản lý Dự án 661 tỉnh, sự chỉ đạo quyết liệt, tích cực của UBND huyện và các xã trong vùng Dự án. Đội ngũ cán bộ của Ban thường xuyên học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, bám sát địa bàn, chuẩn bị tốt các điều kiện xử lý thực bì và hướng dẫn bà con trồng rừng đúng quy cách. Đặc biệt, Dự án đã hoàn thành công trình vườn ươm, phục vụ công tác gieo ươm giống đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng cây con giống, một trong những khâu quan trọng đảm bảo hoàn thành kế hoạch trồng rừng mới hàng năm. Đến nay, Dự án đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân. Đa số các hộ trồng rừng không còn thụ động trông chờ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước nữa mà đã tự bỏ vốn đầu tư trồng và bảo vệ rừng. Quá trình thực hiện Dự án đã góp phần nâng diện tích rừng sản xuất và rừng phòng hộ lên đáng kể, gắn bó mật thiết với bảo vệ môi trường.

 

Dự án 661 trên địa bàn huyện Phú Lương được triển khai ở 9 xã, với hơn 8 nghìn lượt hộ tham gia. Từ năm 1998-2009, huyện đã chăm sóc, bảo vệ trên 7.900 ha rừng tự nhiên và rừng trồng (có trước khi thực hiện dự án). Tiến hành khoanh nuôi tái sinh 1.233 ha, khoanh nuôi có trồng bổ sung 570 ha trồng mới được 3.526 ha (bao gồm cả rừng phòng hộ và rừng sản xuất) ở những nơi đất trống, đồi núi trọc. Nhờ đó, độ che phủ của rừng đã nâng từ 37% (năm 1999) lên 44,7% (năm 2009). Bình quân hằng năm có từ 10-15% số hộ dân trong toàn huyện tham gia trồng và bảo vệ rừng. Việc tham gia thực hiện các dự án lâm nghiệp đã nâng cao nhận thức, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân.

 

Hàng chục năm gắn bó với rừng, sống và làm giàu từ rừng, anh Quách Văn Thắng, xóm Ao Trám, xã Động Đạt phấn khởi nói: Thực hiện chương trình giao đất, giao rừng, từ năm 2000, gia đình tôi được nhận hơn 10 ha đất để phát triển trồng rừng kinh tế. Do chủ động được cây giống nên hàng năm gia đình tôi thường xuyên chặt tỉa và trồng xen canh, gối vụ, đến nay hơn 10 ha rừng keo từ 4-6 năm tuổi được khép kín. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, cùng với phát triển kinh tế đồi rừng, mỗi năm gia đình đã có thu nhập gần 100 triệu đồng. Đối với gia đình anh Phạm Văn Quang, xóm Thanh Thế, xã Yên Đổ, bên cạnh việc trồng rừng, anh còn tận dụng diện tích đất vườn đồi để đầu tư vườn ươm cây giống. Anh Quang cho biết: Năm 1993, vợ chồng tôi ra ở riêng, gia tài chỉ có 2 sào ruộng, đời sống rất khó khăn. Với hơn 4 ha đồi tạp, tôi đã mạnh dạn đầu tư trồng cây keo lai. Ngoài ra, nhằm đáp ứng nhu cầu về cây giống cho bà con, tôi đã mở vườn ươm cây giống rộng hơn 1.000m2; mỗi năm cung cấp cho người dân trong và ngoài huyện khoảng 80 vn cây. Đến nay, từ rừng và vườn ươm cây giống, thu nhập của gia đình tôi đạt trên 100 triệu đồng/năm.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tận dụng diện tích rừng trồng, một số hộ dân xã Yên Đổ còn đầu tư nuôi ong, góp phần nâng cao thu nhập. Hiện, Câu lạc bộ nuôi ong của xã đã có hơn 50 hộ tham gia, với tổng số hơn 100 thùng ong. Mỗi thùng ong có thể cho thu hoạch từ 8-10 kg mật/năm, với giá bán trung bình 50 nghìn đồng/kg, đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân.

 

Những lợi ích kinh tế từ rừng bước đầu đã khích lệ người dân khu vực miền núi tích cực đầu tư kinh phí trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Nhiều hộ đã có thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng từ khai thác rừng theo dự án. Mô hình phát triển kinh tế lâm nghiệp ngày càng xuất hiện ở nhiều nơi, huyện đã có nhiều trang trại đồi rừng cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm như trang trại của anh Nguyễn Văn Hát, Hoàng Văn Xe ở  xã Yên Lạc; Dương Văn Hon, Bùi Văn Vui ở xã Yên Đổ… Diện tích và chất lượng rừng tăng đã hình thành và phát triển các cơ sở chế biến, tiêu thụ gỗ và tạo thêm việc làm cho nông dân. Cùng với việc chú trọng phát triển nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 31,51% năm 2005, xuống còn 19,6%.

 

Có thể nhận thấy, việc đầu tư trồng rừng phòng hộ và hỗ trợ trồng rừng sản xuất trên địa bàn huyện Phú Lương trong những năm qua không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, mà còn là nhân tố tích cực góp phần và trực tiêpx tham gia xóa đói giảm nghèo cho người dân. Đây được xem là tiền đề quan trọng để lâm nghiệp huyện theo phát triển hướng bền vững trong những năm tiếp theo.