Mở hướng đào tạo nghề chế biến gỗ

09:06, 19/11/2010

Phú Lương hiện có hàng trăm hộ dân sản xuất, chế biến gỗ, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập bình quân trên 1 triệu đồng/người/tháng (trung bình mỗi cơ sở giải quyết việc làm cho từ 3-5 lao động). Tuy nhiên, do phần lớn người lao động chưa được qua đào tạo, ít có khả năng làm được những mặt hàng cao cấp nên giá trị sản phẩm không cao. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng các sản phẩm mộc, nhất là các sản phẩm chất lượng cao trên thị trường nói chung, tại Phú Lương nói riêng hiện rất lớn…

So với nhiều địa phương khác, Phú Lương có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển nghề chế biến gỗ như: Nguồn nguyên liệu dồi dào với diện tích đất lâm nghiệp chiếm gần 6,8 nghìn ha trong tổng số trên 25 nghìn ha đất tự nhiên của địa phương; hệ thống giao thông thuận lợi với 38km Quốc lộ 3 chạy qua địa bàn. Cùng với đó là sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp về thủ tục, giấy tờ để các hộ sản xuất, chế biến gỗ được vay tiền được của các ngân hàng nhằm đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất...

 

Ông Ma Văn Dân, Chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) Công - Nông nghiệp và Thương mại Tiến Thành (xã Hợp Thành), một trong những đơn vị sản xuất, chế biến gỗ, lâm sản, dịch vụ nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện cho biết: Nghề chế biến gỗ đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Những năm qua, huyện đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng đến phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là nghề chế biến gỗ. Nhờ đó, nghề chế biến gỗ trên địa bàn đã phát triển mạnh hơn trước, nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của địa phương. Sản phẩm làm ra chất lượng không cao, chưa có các mặt hằng tinh xảo đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng nên giá bán thấp hơn các sản phẩm cùng loại của các làng nghề chế biến gỗ ở Phổ Yên, Phú Bình. Nguyên nhân của tình trạng trên là do người lao động chưa được qua đào tạo cơ bản về tay nghề. Từ trước đến nay, các thợ chế biến gỗ ở Phú Lương chủ yếu tự kèm cặp, hướng dẫn cho nhau.

 

Từ nhu cầu của người dân huyện Phú Lương, vừa qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương) đã chọn xã Hợp Thành - một trong những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nghề chế biến gỗ của huyện để triển khai Đề án đào tạo nghề chế biến và sản xuất gỗ. Đối tượng được đào tạo là những lao động chưa có nghề nghiệp ở xã hoặc chưa có việc làm ổn định trên địa bàn huyện. Sau 3 tháng (từ tháng 7 đến tháng 10-2010), đã có gần 60 người được đào tạo nghề chế biến gỗ và sản xuất ván sàn. Ông Lê Văn Vịnh, Giám đốc Trung tâm  Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp khẳng định: Qua quá trình đào tạo, học viên đã nắm được những kiến thức cơ bản trong quá trình chế biến và sản xuất ván sàn gỗ. Còn anh Lý Văn Đáo, ở xã Hợp Thành, 1 học viên tham gia khoá đào tạo thì cho biết: Trước đây, tôi rất muốn được theo học nghề mộc nhưng không có điều kiện. Nay được Trung tâm đào tạo nghề, tôi rất phấn khởi. Giờ tôi đã có thể làm được một số sản phẩm gia dụng thông thường. Mặc dù còn phải học thêm để nâng cao tay nghề nhưng tôi tin, với những kiến thức cơ bản đã tiếp thu được từ khóa học, thì chuyện tìm việc làm đối với tôi giờ không phải là quá khó. Tôi mong sẽ có nhiều khóa học như thế được mở để giúp nhiều người như tôi được đào tạo nghề, có cơ hội tìm việc làm ngay tại địa phương.

 

Nói về hiệu quả của Đề án, theo anh Trần Khắc Chí, Phó Chủ nhiệm HTX Công - Nông nghiệp và Thương mại Tiến Thành: Trước đây, cũng như nhiều cơ sở sản xuất đồ mộc khác, việc tìm người biết nghề mộc cho HTX rất khó. Đã có lúc, chúng tôi phải chấp nhận tuyển người chưa biết nghề, do đó phải mất nhiều thời gian, công sức trong việc đào tạo nghề cho họ. Nay, nhờ có Đề án này, chúng tôi đã tuyển được nhiều lao động vào làm việc tại HTX với mức thu nhập đạt từ 1 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Được đào tạo nghề chế biến gỗ đã và đang trở thành nhu cầu rất lớn của người dân nơi đây. Qua đó cũng sẽ mang lại hiệu quả tích cực, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều người dân địa phương; tạo doanh thu và lợi nhuận cho các cơ sở chế biến gỗ, đóng góp cho ngân sách Nhà nước; phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương... Được biết, hiện tại, 85% số lao động của huyện Phú Lương là lao động nông nghiệp. Bởi vậy, khi đào tạo được những lao động có tay nghề chế biến gỗ, sản xuất đồ gia dụng từ lâm sản sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp để  góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đây là khóa đào tạo nghề chế biến gỗ đầu tiên của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới, khi có nguồn kinh phí, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với huyện đào tạo nghề chế biến gỗ cho những hộ dân có nhu cầu để giúp Phú Lương phát huy tốt những tiềm năng sẵn có, cải thiện cuộc sống người dân…