UBND tỉnh đã ra Quyết định số 1955 ngày 23-8-2010 về việc phê duyệt phương án thu hồi toàn bộ số lượng gỗ bị chặt hạ, khai thác trái phép còn nằm tại khu vực rừng thuộc 5 xã phía Bắc huyện Võ Nhai và tổ chức bán đấu giá tạo nguồn thu sung công quỹ Nhà nước để đầu tư lại cho các hoạt động quản lý bảo vệ và phát triển rừng, tránh lãng phí tài nguyên rừng. Tuy nhiên, công tác này đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cần sớm được tháo gỡ...
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện số lượng gỗ bị chặt hạ, khai thác trái phép còn nằm tại khu vực rừng 5 xã phía Bắc huyện Võ Nhai (gồm: Thượng Nung, Thần Sa, Sảng Mộc, Vũ Chấn, Nghinh Tường) là khá lớn (gần 900 m3 gỗ tròn). Điều đáng nói là trong số này có một lượng gỗ đã bị đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao chặt hạ từ nhiều năm nay để làm nhà sàn (do đường giao thông khó khăn, không thể vận chuyển nguyên vật liệu làm nhà xây). Nếu tiến hành thu cả số gỗ này thì đồng bào đang sinh sống ở vùng cao sẽ khó có điều kiện làm được một ngôi nhà ở kiên cố. Qua tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhiều hộ dân ở đây, chúng tôi nhận thấy, phần lớn bà con đều mong muốn, với những trường hợp sử dụng gỗ mục đích làm nhà sàn để ở thì tỉnh nên linh động, tạo điều kiện cho người dân được sử dụng. Ngược lại, nếu gỗ bị chặt hạ nhằm mục đích thương mại thì cần phải được thu hồi, tránh làm thất thoát, lãng phí tài nguyên rừng.
Khi chúng tôi trao đổi với một người dân ở xã Vũ Chấn đã chuẩn bị đủ số gỗ làm nhà sàn rộng 3 gian thì được cho biết: Để có đủ lượng gỗ làm nhà, anh đã vào rừng ngả những cây gỗ để sẵn trong rừng từ 3 năm nay. Gia đình anh đã bỏ vào đấy rất nhiều công sức, tiền của và thời gian để xẻ, vận chuyển về nhà. Chỉ tính riêng chi phí thuê vận chuyển gỗ cũng đã lên tới gần 10 triệu đồng. Nếu số gỗ này bị thu hồi thì không biết đến bao giờ vợ chồng anh mới có đủ điều kiện làm được một ngôi nhà kiên cố! Thiết nghĩ, nguyện vọng dùng gỗ làm nhà của bà con vùng cao là nguyện vọng rất chính đáng. Bởi đối với huyện vùng cao Võ Nhai, nhiều nơi đồng bào đang sinh sống có nhiều đồi núi cao, đường giao thông nhỏ hẹp, không thể vận chuyển nguyên vật liệu để làm nhà xây. Vấn đề này cũng đã được các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai công tác thu hồi gỗ được tổ chức mới đây tại xã Thượng Nung đem ra bàn bạc. Hầu hết các ý kiến đều tán thành chủ trương thu hồi gỗ của tỉnh nhưng cũng đề nghị chỉ nên thu hồi gỗ bị chặt hạ dùng vào mục đích thương mại.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để xác định được gỗ nào để làm nhà, gỗ nào vì mục đích thương mại!? Ông Cao Văn Hợp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Võ Nhai cho hay: Vấn đề được nêu lên trong Hội nghị là có thật, song số gỗ người dân chuẩn bị dùng để làm nhà là không nhiều. Ban Chỉ đạo thu hồi gỗ của tỉnh cần có một quy trình để xác minh chặt chẽ, chính xác số gỗ này, tránh tình trạng có đối tượng lợi dụng để được xác nhận là gỗ làm nhà, sau đó sẽ tìm cơ hội vận chuyển, bán gỗ ra thị trường...
Bên cạnh khó khăn nêu trên, việc vận chuyển gỗ ra nơi tập kết cũng là một vấn đề khá phức tạp. Với đặc điểm địa hình là rừng núi đá, hiểm trở, độ dốc cao, vị trí các cây gỗ bị chặt hạ đều nằm cách xa bãi tập kết mà ô tô có thể vào được từ 10-15km; gỗ cũng phải được xẻ theo một quy cách nhất định thì mới có thể vác ra đến nơi tập kết qua các mỏm núi đá. Theo dự toán, chi phí cần cho việc thu hồi số gỗ đã nêu trên sẽ lên tới trên 3 tỷ đồng. Ngoài ra, vấn đề huy động nguồn nhân lực tham gia thu hồi gỗ cũng gặp không ít trở ngại. Việc huy động lao động ở nơi khác đến để vận chuyển gỗ khó có thể thực hiện được, bởi họ không thông thuộc địa hình và chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc vận chuyển gỗ. Ông Hà Thế Uy, đại diện cho Công ty TNHH Hoàng Mấm, đơn vị tham gia thu hồi gỗ tại xã Thượng Nung cho rằng: Chỉ có thể vận động chính người dân tại địa phương trực tiếp tham gia vào quá trình vận chuyển thì mới đưa được số gỗ trên ra bãi tập kết. Ban Chỉ đạo thu hồi gỗ của tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền các xã có gỗ bị thu hồi trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thông hiểu chủ trương này của tỉnh thì mới tạo được sự đồng thuận cao, công tác thu hồi mới được tiến hành thuận lợi và theo đúng tiến độ; đồng thời qua đó cũng để người dân địa phương nâng cao ý thức trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, không tiếp tục chặt hạ gỗ trái phép...
Quá trình vận chuyển gỗ ra bãi tập kết phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, trang thiết bị phương tiện và an ninh trật tự nơi diễn ra việc thu hồi gỗ. Do đó, cần có sự tham gia tích cực của lực lượng giữ gìn trật tự an ninh để chủ động đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Cùng với đó, công tác tuần tra, kiểm soát tại các xã khác cũng cần được tăng cường, tránh tình trạng kẻ xấu lợi dụng thời gian này để vận chuyển gỗ ở nơi chưa tiến hành thu hồi ra khỏi rừng.