Đây là thông tin vừa được đưa ra tại cuộc họp báo công bố chính thức nội dung cụ thể của đề án tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và thông báo về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vinashin năm 2010 do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức chiều ngày 19/11.
Trước đó, chiều 18/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định 2108/QĐ-TTg, chính thức phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn này.
Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sau tái cấu trúc đợt 1, hiện số doanh nghiệp của Vinashin đã giảm từ 289 công ty xuống còn 259 công ty, gồm công ty mẹ, 38 công ty TNHH một thành viên, 38 công ty cổ phần tập đoàn đóng góp trên 51%, 3 công ty liên doanh, 23 công ty liên kết và 156 công ty cháu.
Tính đến 30/8/2010, tổng số lao động của công ty đã giảm từ 49.454 người xuống còn 42.660 người, tổng số nợ phải trả giảm từ 86.565 tỷ đồng trên tổng tài sản 104.649 tỷ đồng xuống còn 76.241 tỷ đồng trên tổng tài sản 95.672 tỷ đồng.
Thực hiện đề án tái cấu trúc tổng thể mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, tổng số doanh nghiệp của Tập đoàn sẽ chỉ còn lại 43 doanh nghiệp trong đó có công ty mẹ là công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước, 19 công ty con, 1 công ty liên kết và 22 công ty cháu.
Tổng số lao động theo mô hình tổ chức mới là 29.660 người. Tổng số nợ phải trả là 53.054 tỷ đồng trên tổng tài sản là 68.243 tỷ đồng.
Tập đoàn bắt đầu thực hiện việc sắp xếp 216 doanh nghiệp từ tháng 11/2010 và dự kiến kết thúc vào năm 2013, ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinashin cho biết.
Về tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Vinashin, theo thông tin tại cuộc họp báo, tổng giá trị sản lượng 10 tháng đầu năm đạt 12.395 tỷ đồng, bằng 38% kế hoạch năm, trong đó giá trị đóng mới sửa chữa tàu đạt 7.519 tỷ đồng, bằng 45,8% kế hoạch năm. Hiện Tập đoàn còn số hợp đồng có hiệu lực là 130 tàu, tổng giá trị 2,1 tỷ USD.
Từ nay đến hết tháng 12/2010, Tập đoàn sẽ bàn giao 21 tàu, nâng tổng số tàu bàn giao trong năm 2010 lên 57 tàu, đạt trị giá 573 triệu USD. Dự kiến, trong năm 2011, Tập đoàn sẽ bàn giao 75 tàu với tổng doanh thu 15.600 tỷ đồng.
Đến thời điểm này, các nhà máy lớn của Vinashin đã trả hết lương và thực hiện bảo hiểm xã hội cho người lao động với mức thu nhập bình quân đạt 2.830.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, các nhà máy nhỏ, các đơn vị hoạt động ngoài lĩnh vực đóng tàu vẫn còn nợ lương và bảo hiểm xã hội của người lao động đến tháng 9/2010 với tổng số tiền khoảng 102 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội khoảng 134 tỷ đồng.
Tập đoàn đang lập kế hoạch xin vay 100 tỷ đồng để giải quyết hết nợ lương cho người lao động trong năm 2010, đại diện Vinashin cho biết.
Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã trả lời báo chí về trách nhiệm của bộ chủ quản trong mô hình mới. Theo đó, trước đây, vai trò quản lý nhà nước của các bộ và đặc biệt là cơ quan quản lý ngành đối với Vinashin là Bộ Giao thông Vận tải khá mờ nhạt và hạn chế, chỉ tập trung vào việc cho ý kiến và góp ý về những vấn đề mà Hội đồng Quản trị Vinasshin trình Chính phủ, cùng các bộ khác tham gia giám sát đầu tư của tập đoàn. Đây cũng là nội dung đã được Bộ trưởng Dũng trình bày trước Quốc hội tại kỳ họp thứ tám đang diễn ra.
Cũng theo Bộ trưởng, với đề án tái cơ cấu, vai trò của Bộ được xác định rõ ràng, cụ thể hơn. Bộ sẽ chủ trì, thẩm định và trình Chính phủ các vấn đề quy hoạch, mục tiêu phát triển, tổ chức nhân sự của Tập đoàn, trực tiếp chỉ đạo thực hiện và phối hợp với các bộ ngành liên quan giám sát các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.