Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Phổ Yên đã xuất hiện một số mô hình trồng nấm cho hiệu quả kinh tế khá. Nhận thấy nghề trồng nấm không khó, nguồn nguyên liệu dễ kiếm ngay tại địa phương, lại vừa giải quyết việc làm cho lao động dôi dư nên huyện Phổ Yên đã đưa ra nhiều chính sách để khuyến khích người dân phát triển nghề trồng nấm.
Ông Nguyễn Lương Bằng, ở xóm Núi, xã Nam Tiến là hộ đã có gần 10 năm làm nghề trồng nấm cho biết: Năm 2000, vợ tôi được tham gia lớp tập huấn trồng nấm do Hội LHPN huyện tổ chức. Kết thúc khóa học, gia đình tôi đã tận dụng nguồn rơm, rạ sẵn có để làm 240 bịch nấm sò và mộc nhĩ và lãi được 2 triệu đồng. Thấy hiệu quả, tôi tiếp tục làm. Lứa nọ gối lứa kia, ngay năm đầu tiên, tôi thu được trên 250kg nấm thương phẩm, bán được khoảng 25 triệu đồng. Nấm dễ trồng, lại cho thu nhập khá nên gia đình tôi đã quyết định đầu tư nhà xưởng, mở rộng mô hình trồng nấm. Đến nay, tôi có 2 nhà xưởng có thể sản xuất 1.500 bịch/năm. Với quy mô này, chỉ gần 2 tháng nay, gia đình tôi đã lãi khoảng 10 triệu đồng. Mới đây, gia đình tôi được tổ chức Caecid (Tây Ban Nha) tài trợ giàn máy ủ nấm trị giá trên 50 triệu đồng. Điều nay càng khiến việc trồng nấm của gia đình tôi trở nên thuận tiện.
Trồng nấm không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế khá mà còn tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, đồng thời có thể giải quyết được nguồn lao động dôi dư. Qua khảo nghiệm thực tế cho thấy, hằng năm, trên địa bàn huyện có gần 10.000 tấn rơm, rạ, hàng trăm tấn mùn cưa các loại, đây là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất nấm. Ngoài ra, huyện còn có lực lượng lao động dồi dào. Đặc biệt là trong những năm gần đây, huyện đã dành khá nhiều đất để phát triển công nghiệp nên nhu cầu về việc làm trong dân càng lớn. Theo số liệu thống kê của huyện thì từ năm 2003 đến nay, huyện đã giải phóng hàng nghìn ha đất nông nghiệp với gần 25 nghìn người trong độ tuổi lao động bị ảnh hưởng. Với các điều kiện trên, việc đưa nghề trồng nấm phát triển trên địa bàn huyện là rất phù hợp.
Nhận thức rõ điều này, những năm gần đây, huyện đã tích cực tuyên truyền tới nhân dân về hiệu quả của nghề trồng nấm. H
Chị Nguyễn Thị Thao, ở xóm Đông Sinh, xã Đồng Tiến thông qua lớp học đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng nấm trứng và mộc nhĩ. Chị cho biết: Học về loại nấm nào là tôi về làm luôn loại nấm đó, vừa là để thực hành vừa để tạo nguồn thu nhập thêm cho gia đình. Tháng 9 vừa qua, tôi đã học kỹ thuật làm nấm trứng và về làm luôn 3 tạ rơm, sau 1 tháng tôi đã thu được khoảng 30kg nấm thương phẩm, với giá bán hiện nay là 70 nghìn đồng/kg, tôi đã thu được trên 2 triệu đồng. Hiện nay, tôi đang học làm mộc nhĩ và cũng đã làm 3 tạ rơm nữa để sản xuất mộc nhĩ. Về kỹ thuật trồng các loại nấm, chị Thao cho biết: Sau khi được tập huấn, tôi thấy trồng nấm khá đơn giản và cũng không tốn công nhiều, chỉ cần thực hiện đúng theo các quy trình và giữ môi trường luôn sạch sẽ là được. Mỗi loại nấm đều có kỹ thuật riêng, song đều tuân thủ theo các bước chính là: Ban đầu phải ủ rơm trong vòng 10 ngày, sau đó cấy giống, hằng ngày tưới bằng nước sạch chỉ hơn 10 ngày là nấm được thu hoạch.
Không chỉ hỗ trợ về kỹ thuật, các hộ sau khi tập huấn có nhu cầu trồng tại gia đình còn được hỗ trợ 100% về giống. Ngoài ra, huyện sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, người trồng, chế biến nấm được hưởng các ưu đãi đầu tư theo quy định hỗ trợ, khuyến khích đầu tư của huyện… Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền cùng với những chính sách ưu đãi trên, đến nay trên địa bàn có trên 10 mô hình trồng nấm cho thu nhập khá, khẳng định bước đầu phát triển nghề trồng nấm ở huyện.