Tín dụng nhỏ, hiệu quả lớn

08:49, 17/11/2010

Hội LHPN huyện Phổ Yên hiện có trên 30 nghìn hội viên. Những năm qua, nhằm giải quyết khó khăn cho các hội viên, giúp đỡ họ vươn lên thoát nghèo từng bước ổn định cuộc sống, Hội đã có nhiều chương trình, dự án nhằm hỗ trợ về vốn, tập huấn khoa học kỹ thuật... cho chị em. Trong đó có Dự án Hỗ trợ tín dụng nhỏ cho phụ nữ nghèo. Sau 10 năm thực hiện, Dự án này đã thực sự phát huy được hiệu quả với 4.200 lượt phụ nữ nghèo của huyện được vay vốn để phát triển kinh tế, trong đó nhiều chị đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay đưa kinh tế gia đình phát triển.

 

Dự án "Hỗ trợ tín dụng nhỏ cho phụ nữ nghèo" được tiếp nhận nguồn vốn tín dụng của tổ chức phi chính phủ CIDSE nhằm cung cấp tín dụng nhỏ cho phụ nữ nghèo. Dự án được triển khai ở 5 xã: Đắc Sơn, Thuận Thành, Hồng Tiến, Thành Công và Minh Đức. Ban đầu, Dự án hoạt động theo cơ chế mỗi hội viên được vay 700 nghìn đồng, sau đó tăng dần theo vòng vay với lãi suất 1,2%/ tháng.

 

Chị Nguyễn Thị Tuyết, xóm Đấp 3, xã Đắc Sơn, là một trong những hội viên sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tâm sự: Gia đình tôi có 4 sào ruộng, nhưng do nhà nghèo không có tiền đầu tư phân bón, các loại thuốc bảo vệ thực vật nên cây trồng kém phát triển, hiệu quả không cao. Năm 2001, tôi được vay 700 nghìn đồng từ Dự án này tôi đầu tư chăn nuôi lợn. Cùng với đó, tôi còn mua 1 con lợn, sau khi xuất chuồng, tôi lại tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình chăn nuôi. Đến nay trong chuồng nhà tôi lúc nào cũng có khoảng 100 đầu lợn thịt, với mức thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm. Ngoài chăn nuôi, tôi còn mở thêm của hàng kinh doanh thức ăn gia súc vừa để phục vụ chăn nuôi của gia đình vừa có thêm nguồn thu nhập. Hàng năm, từ mô hình này cũng cho thu lãi hàng chục triệu đồng.

 

Cũng từ nguồn vốn vay này, chị Phạm Thị Hồng ở xóm Chiềng đã vay 700 nghìn đồng đầu tư nuôi 2 con lợn nái. Ngoài chăn nuôi lợn chị Hồng còn đầu tư nuôi một con bò sinh sản. Mỗi tuần chị lại tiết kiệm trích trả cả vốn lẫn lãi 18 nghìn đồng. Sau khoảng 1 năm chị đã trả hết số vốn vay cũng là lúc lứa lợn đầu của gia đình chị được xuất chuồng. Nhờ đó, chị có một món kha khá để đầu tư mở rộng chăn nuôi. Lứa nọ gối lứa kia, kinh tế gia đình chị ngày càng khấm khá, đến năm 2008 thì thoát nghèo và đến nay đã có của ăn của để.

 

Không chỉ chị Tuyết, chị Hồng mà nhờ nguồn vốn vay này, nhiều hội viên đã thoát khỏi cuộc sống khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Qua hơn 10 năm thực hiện, nguồn vốn quay vòng đã lên trên 1,5 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 4.200 lượt hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân và hộ phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được vay vốn phát triển kinh tế. Thời điểm cao nhất có tới 531 thành viên sinh hoạt ở 15 cụm, 93 nhóm được vay vốn. Để các hội viên sử dụng đồng vốn có hiệu quả, Hội LHPN huyện đã phối hợp với ngành Nông nghiệp, các ngành chức năng của huyện mở hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, kiến thức thức về kỹ năng kinh doanh, kiến thức bình đẳng giới… Qua đó, nhận thức của chị em được nâng lên rõ rệt, xóa đi ý nghĩ tự ty, mặc cảm, để tự tin hơn trong cuộc sống. Ngoài ra, hầu hết chị em đã biết vận dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh và biết cách tiết kiệm chi tiêu cho gia đình. Phần lớn nguồn vốn vay được chị em đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, dịch vụ thương mại…

 

Qua Dự án đã cải thiện đáng kể đời sống của các hội viên phụ nữ nghèo, góp phần nâng cao đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 23,89% (năm 2003) xuống còn 6,22% năm 2010. Nhiều hội viên từ nguồn vốn này không những đã thoát nghèo mà còn có cuộc sống khá giả. Nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của Dự án, Hội LHPN huyện đã lên kế hoạch củng cố, sắp xếp lại tổ chức nhóm, cụm, đồng thời tích cực tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức cho các hội viên nhằm sử dụng nguồn vốn đạt được hiệu quả tối đa, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.