Việt Nam tăng 10 bậc

18:32, 04/11/2010

Theo đánh giá của WB trong Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2011 khu vực Đông Á và Thái Bình Dương công bố ngày 4/11, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2010.

Việt Nam được xếp hạng thứ 78 trong tổng số 183 nền kinh tế trên thế giới, xếp thứ 11 trên 25 các nền kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về mức độ thuận lợi kinh doanh; Đứng thứ 4 trong 10 nền kinh tế trên thế giới có nhiều cải thiện nhất về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh.

 

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao Việt Nam đã tạo thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp bằng cách áp dụng cơ chế một cửa, kết hợp thủ tục chứng nhận đăng ký kinh doanh với đăng ký mã số thuế và bỏ quy định xin phép khắc dấu. Việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với nhà và chuyển việc chứng nhận quyền sở hữu nhà cho Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm cho việc cấp phép xây dựng thuận lợi hơn. Hệ thống thông tin tín dụng được cải thiện, người đi vay được phép kiểm tra báo cáo tín dụng và được quyền sửa các thông tin sai lệch.

 

Ông Karim Belayachi, Chuyên gia chiến lược cao cấp, đồng tác giả dự án Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2011 của WB nói: “Việt Nam tăng 8 bậc về cấp giấy phép xây dựng; giảm thiểu đáng kể về thời gian, thủ tục, chi phí cho việc thành lập doanh nghiệp, qua đó đã tiết kiệm được hàng trăm triệu USD. Chính phủ Việt Nam đã có những nghị định cụ thể về thông tin tín dụng giúp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm bớt những rủi ro, tạo việc làm cho nhiều người. Trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh, làm tốt hơn nữa việc đơn giản hoá thủ tục để cải thiện môi trường đầu tư trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin điện tử trực tuyến”.

 

Báo cáo môi trường kinh doanh 2011 đã xếp hạng các nền kinh tế trên thế giới nói chung và khu vực Đông Á Thái Bình Dương nói riêng dựa trên 9 nhóm lĩnh vực: Tính toán thời gian và chi phí mà một doanh nghiệp trong nước phải bỏ ra để đáp ứng được các quy định kinh doanh như thành lập và vận hành, giải thể doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc cấp giấy phép xây dựng, đăng ký tài sản, vay vốn tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế, thực thi hợp đồng, giao dịch thương mại quốc tế...

 

Báo cáo nêu rõ: trên thế giới tốc độ cải cách môi trường kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh với 216 cải cách ở 117 nền kinh tế. Trong đó, những nền kinh tế ở Đông Á – Thái Bình Dương là những nền kinh tế năng động nhất trong mở cửa môi trường kinh doanh.