Những năm trước, nhắc đến Cây Thị là nhắc đến xã đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ. Bởi nơi đây, trạm y tế, trường học, đường giao thông, đường điện đều chưa được đầu tư. Còn hôm nay, xã vùng xa này đã có những thay đổi đáng kể...
Một ngày đầu đông se lạnh, chúng tôi về lại xã Cây Thị (Đồng Hỷ). Trên đồi, các bà, các chị đã miệt mài hái những búp chè cuối vụ. Dưới ruộng, những đám dạ đã được thay bằng những bãi ngô xanh ngát. Hiện nay, xã Cây Thị có Trạm y tế, trường học đã được xây dựng khang trang; 70-80% hộ dân trong xã đã được sử dụng điện lưới Quốc gia; đường vào xã cũng đã được trải nhựa. Đặc biệt, con đường liên xã Cây Thị - Văn Hán dài gần 9km đã được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, thông thương hàng hoá của trên 700 hộ dân nơi đây. Ngoài ra, cùng với Nhà nước, bà con trong xã cũng đã đóng góp tiền của, ngày công lao động kiên cố hóa được hơn 5,6 km đường liên xóm. Bên cạnh đó, xã cũng đã hoàn thành tuyến kênh mương đầu mối hồ đập Kim Cương dài 2,4km... nơi sẽ cung cấp nước cho hằng trăm héc - ta đất sản xuất của Cây Thị.
Cũng như các xã khác trong huyện, đời sống của người dân Cây Thị phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, cây trồng chủ lực vẫn là lúa và chè. Còn chăn nuôi chủ yếu chỉ để làm sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp (trâu, bò) hoặc tận dụng các phế phẩm trong nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập gia đình (lợn, gia cầm). Hiện, xã có gần 550 con trâu, bò; 1.300 con lợn và 14 nghìn con gia cầm các loại. Ông Phạm Thanh Sao, Chủ tịch UBND xã Cây Thị cho biết: So với 5 năm trước, cuộc sống của người dân nơi đây đã có những thay đổi đáng kể. Vẫn là đồng đất ấy, nhưng hôm nay, giá trị thu được trên cùng một diện tích đất canh tác của bà con đã cao hơn so với trước. Như để chứng minh cho lời nói của mình, ông đưa ra các con số: Xã có gần 230 ha lúa, 5 năm trước, năng suất chỉ đạt trên 40 tạ/ha thì nay, có vụ đã đạt con số 50 tạ/ha. Riêng với cây chè, diện tích năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, xã có gần 120 ha chè, trong đó có khoảng 10% diện tích chè giống mới. Năm 2009, sản lượng chè búp tươi của Cây Thị đạt khoảng 500 tấn, cao hơn 5-10% so với những năm trước đó. Đáng mừng là 5, 6 năm trước, xã vẫn còn nhiều hộ thiếu ăn quanh năm thì nay đã không còn. Theo chuẩn mới, đến nay, xã còn 230 hộ nghèo. So với các địa phương khác, số hộ nghèo như vậy là lớn nhưng với Cây Thị, đây là cả sự phấn đấu nỗ lực vì địa phương là nơi có khá đông đồng bào dân tộc như Dao, Sán Chí, Sán Dìu... sinh sống, đời sống còn gặp không ít khó khăn.
Theo ông Lê Văn Nguyên, Trưởng xóm Trại Cau có được sự chuyển biến đó là do Đảng bộ, Chính quyền địa phương nơi đây đã có sự chỉ đạo đúng đắn. Cụ thể như trong sản xuất lúa, xã chỉ đạo người dân thay đổi cơ cấu mùa vụ (tăng diện tích xuân muộn, mùa sớm để trồng cây màu vụ đông, tăng vòng quay của đất, góp phần nâng cao thu nhập); chuyển đổi giống cây trồng phù hợp (mạnh dạn đưa các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao vào gieo cấy)... Với cây chè, địa phương vận động bà con phá bỏ một số diện tích chè đã thoái hoá, xuống cấp để trồng thay thế vào đó các giống chè cành năng suất, chất lượng như LDP1, TRI 777, Phúc Vân Tiên; tích cực thâm canh các diện tích chè trung du để nâng cao năng suất, sản lượng... Về phía người dân, không chỉ chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mà còn nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình, mạnh dạn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp...
Cùng với sự cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã, có được sự đổi thay hôm nay là do Cây Thị đã nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Giai đoạn 2000-2005, mỗi năm, xã được hỗ trợ 400-500 triệu đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện nay, dù không còn là xã 135 nhưng xã vẫn còn một số xóm được hưởng Chương trình này. Tuy đã có những thay đổi đáng kể nhưng hiện nay, xã Cây Thị vẫn còn gặp một số khó khăn: xóm Trại Cau nằm cạnh khu vực khai thác của Mỏ sắt Trại Cau có hiện tượng sụt lún làm mất đất canh tác, nhà dân bị rạn nứt khiến bà con không yên tâm lao động và sản xuất. Bên cạnh đó, trình độ dân trí của người dân không đồng đều nên việc chuyển giao khoa học kỹ thuật chưa thu được kết quả cao; các nhu cầu thiết yếu của người dân như điện lưới, nước sạch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng; việc tranh chấp ranh giới đất lâm nghiệp giữa Công ty Ván Dăm Thái Nguyên với xã chưa dứt điểm nên ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân. Ông Phạm Thanh Sao cho rằng: Để đời sống của người dân xã Cây Thị tiếp tục được nâng lên, chúng tôi mong tỉnh sớm xác định rõ nguyên nhân sụt lún đất ở xóm Trại Cau và hỗ trợ kinh phí di dời các hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm; thu hồi những diện tích đất kém hiệu quả của Công ty Ván Dăm để giao cho địa phương quản lý; phối hợp với các ngành chức năng kéo dây, đóng điện cho các xóm vùng xa theo chương trình REII (Điện nông thôn)...