Cần quy hoạch vùng sản xuất lúa lai tập trung

17:19, 06/12/2010

Do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với các giống lúa lai nên những năm trở lại đây, diện tích lúa lai ở Đồng Hỷ đã tăng đáng kể. Năm 2010, toàn huyện gieo cấy được 800ha lúa lai, chiếm 13% diện tích cấy lúa cả năm, tăng 8% so với năm 2005. Giống lúa được đưa vào gieo cấy chủ yếu là TH 3-3, Nhị ưu 838, Syn6, Bồi tạp 49, Bồi tạp Sơn Thanh… Đạt được kết quả này là do tỉnh, huyện đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân gieo cấy các giống lúa lai.

 

Cụ thể, ngoài mức hỗ trợ 10 nghìn đồng/kg lúa lai giống của tỉnh, huyện cũng hỗ trợ người dân 5 nghìn đồng/kg lúa giống; hỗ trợ 50 nghìn đồng/ha cho công chỉ đạo sản xuất với những diện tích năng suất đạt 55 tạ/ha. Trước khi bước vào vụ gieo cấy lúa xuân, lúa mùa, cán bộ khuyến nông của huyện đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật gieo cấy, thời vụ gieo cấy, chăm bón các giống lúa lai… Theo đó, các đơn vị được giao cung ứng giống lúa lai trên địa bàn huyện đã đáp ứng được nhu cầu của người dân.

 

Mặc dù diện tích lúa lai ở Đồng Hỷ đã tăng lên theo các năm, nhưng trên thực tế, kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương… Năm 2011, kế hoạch gieo cấy lúa lai của huyện vẫn chỉ dừng lại ở 800ha. Theo anh Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, khó khăn trong phát triển mạnh diện tích lúa lai của Đồng Hỷ hiện vẫn là người dân chưa mạnh dạn trong tổ chức sản xuất các giống lúa lai. Thêm vào đó, giá thành các giống lúa lai tương đối cao (trung bình từ 40-70 nghìn đồng/kg, cao hơn gấp 2 lần, thậm chí gấp 3 lần so với một số giống lúa thuần); một số xã, cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự vào cuộc, chưa quan tâm chỉ đạo, khuyến khích nhân dân đưa các giống lúa lai vào sản xuất thay thế các giống lúa thuần đã thoái hóa, xuống cấp. Ngoài ra, vào vụ Xuân, Đồng Hỷ thường xuyên thiếu nước dưỡng lúa (huyện có 2.100 ha, thì chỉ khoảng 50% diện tích chủ động được nước dưỡng lúa).

 

Bà Khúc Thị Vân, một người dân ở xã Văn Hán cho biết: Dù có nhiều ưu điểm như khả năng chống chịu sâu bệnh, chống đổ tốt, năng suất cao hơn một số giống lúa thuần nhưng không phải loại giống lúa lai nào cũng có khả năng chịu hạn nên khi không đủ nước dưỡng lúa, năng suất lúa sẽ giảm trong khi chi phi đầu tư giống, vật tư, phân bón chăm sóc cho những diện tích gieo cấy bằng giống lúa lai cao gấp rưỡi lúa thuần. Vì thế, người dân chúng tôi không dám mạo hiểm đầu tư vào những giống lúa mới này.

 

Cũng qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy những xã có diện tích đất canh tác ít, nhiều đồng bào dân tộc sinh sống như Văn Lăng, năm 2008, 2009 gieo cấy 130ha lúa lai, chiếm 100% diện tích đất canh tác của xã, trong khi những địa phương nằm ngay sát trung tâm huyện, thành phố Thái Nguyên như Hóa Thượng, Huống Thượng, diện tích gieo cấy lúa lai lại chiếm rất ít. Điều này cho thấy, diện tích gieo cấy lúa lai nhiều hay ít không phụ thuộc vào trình độ dân trí cao hay thấp mà là do nhu cầu thực tế của người dân. Nơi nào áp lực vòng quay của đất cao thì người dân sẽ quan tâm đầu tư phát triển cây lúa lai.

 

Bởi vậy, để cây lúa lai phát triển bền vững, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, huyện Đồng Hỷ rất mong tỉnh có sự chỉ đạo đồng bộ các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh về vấn đề này, coi đây là pháp lệnh, là định hướng để buộc các cấp ủy, chính quyền địa phương phải vào cuộc tích cực. Trong đó, yêu cầu các địa phương phải quy hoạch các vùng sản xuất lúa lai tập trung, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm như hiện nay. Cùng với đó, tỉnh nên có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào các vùng sản xuất lúa lai tập trung, để các địa phương tổ chức sản xuất hiệu quả.