Những tháng cuối năm được coi là “tháng củ mật” của các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Bởi đây là lúc các đơn vị, doanh nghiệp cần “tăng tốc” để hoàn thành kế hoạch năm và chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán. Thậm chí một số doanh nghiệp còn phải dự trữ nguyên vật liệu để chủ động vào sản xuất ngay từ đầu năm sau. Vì thế, nhu cầu vốn đối với các doanh nghiệp rất lớn.
Để có đủ vốn hoạt động, các doanh nghiệp phải huy động từ rất nhiều nguồn. Trong đó, vốn vay ngân hàng vẫn là chủ yếu (chiếm tới 70-80%) tổng vốn hoạt động. Tuy nhiên, nhằm góp phần chống lạm phát, từ tháng 10-2009, thực hiện chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, các ngân hàng đã giới hạn cho vay đối với các khách hàng vay mới và chỉ đáp ứng cho vay đối với khách hàng truyền thống trong hạn mức cho phép do tăng trưởng tín dụng đã đạt kế hoạch đề ra. Đây là bài toán khó đối với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Khi trao đổi về vấn đề này, ông Hà Hồng Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Hồng Sơn cho biết: Công ty chúng tôi chuyên xây dựng đường dây tải điện và trạm biến áp, nhu cầu vốn rất lớn để mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, trong khi đó, các nhà sản xuất không cho nợ khi mua hàng. Từ tháng 10-2009 đến nay, ngân hàng không cho vay mới và Công ty cứ trả món cũ thì mới được vay món mới nhưng cũng chỉ trong hạn mức. Vì vậy, Công ty cũng gặp nhiều khó khăn về vốn. Nếu không huy động được vốn thì giải pháp tốt nhất Công ty đành phải giãn tiến độ thi công các công trình và sản xuất cầm chừng. Ông còn cho biết thêm: một số doanh nghiệp làm ăn với ông cũng đang trong tình trạng phải giãn công trình vì không có vốn để mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.
Đối với các doanh nghiệp thương mại, chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2010. Đây là lúc đang rất cần vốn để chuẩn bị hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân và góp phần bình ổn giá cả thị trường, thế nhưng cũng đang rất khó khăn về vốn. Ông Ngô Đình Liên, Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần Thương mại tổng hợp Thái Nguyên cho biết: Công ty là đơn vị chuyên kinh doanh các mặt hàng nông sản thực phẩm, trong đó có nhiều mặt hàng được cung ứng thường xuyên trong các dịp Tết với số lượng lớn. Để có đủ hàng hoá đáp ứng nhu cầu của nhân dân, hiện tại, Công ty đã phải đến các nhà sản xuất ký hợp đồng, đặt hàng thì đến Tết mới có hàng để bán ra. Nếu để giáp Tết mới mua hàng về bán thì giá sẽ lên cao và cũng không còn hàng vì các nhà sản xuất đã ngừng sản xuất do sợ không tiêu thụ hết; hiện đã có một số một hàng bắt đầu tăng giá. Vì thế, Công ty cũng rất cần một lượng vốn lớn để mua hàng dự trữ phục vụ trong dịp Tết. Không riêng gì Công ty cổ phần Thương mại tổng hợp Thái Nguyên khó khăn mà các doanh nghiệp trong ngành Công thương cũng vậy.
Đón trước những khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành nên ngay từ tháng 11/2009, Sở Công thương đã có công văn đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh thương mại chủ động nghiên cứu nhu cầu hàng hoá, có khả năng thanh toán, dự đoán sức mua của nhân dân, khách hàng để xây dựng kế hoạch phục vụ Tết Nguyên đán Canh Dần. Đầu tháng 12-2009, Sở đã tổ chức hội nghị liên ngành cùng với các doanh nghiệp, thống nhất lựa chọn 5 doanh nghiệp trong ngành đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ vốn thuộc ngân sách Nhà nước được ứng vốn vay với lãi suất bằng 0% và cho vay khoảng 25 đến 30% tổng nhu cầu dự trữ để cung ứng hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán. Tổng nhu cầu vốn đề nghị của 5 doanh nghiệp là 18 tỷ đồng, song, Sở Công thương đề nghị tỉnh hỗ trợ là 14 tỷ đồng để mua một số mặt hàng thiết yếu tiêu dùng nhiều trong dịp Tết. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các doanh nghiệp vẫn chưa được trả lời. Được biết, năm 2007 và 2008, tỉnh cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp theo cơ chế trên, song năm 2007 kinh phí hỗ trợ về đến doanh nghiệp đã giáp vào ngày 27 Tết âm lịch; năm 2008, cũng còn hơn một tháng các doanh nghiệp mới nhận được tiền hỗ trợ nên việc giải quyết khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp hiệu quả không cao. Vì vậy, năm nay, các doanh nghiệp đang được Sở Công thương đề nghị tỉnh hỗ trợ vốn rất mong muốn tỉnh nên quyết đáp và triển khai sớm để còn kịp thời gian mua hàng tại các chân hàng vì thời gian từ nay đến tết cũng không còn nhiều.
Trong lúc khó khăn về vốn thì giải pháp tốt nhất đối với các doanh nghiêp vẫn là chủ động huy động nguồn vốn tự có từ nội bộ đơn vị hoặc từ nhiều nguồn khác; hay chỉ còn cách “mua đuổi bán đuổi” để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.