Đại Từ xây dựng hệ thống thuỷ lợi vùng đồi

17:20, 19/12/2010

Xác định cây chè là cây mũi nhọn trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng và hướng tới sản xuất hàng hóa, huyện Đại Từ đang tập trung xây dựng hệ thống các công trình thuỷ lợi vùng đồi để giúp người trồng chè chủ động nước tưới, yên tâm sản xuất chè đông, từng bước tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chè, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

Theo con đường nhựa liên xã Hà Thượng-Phục Linh-Tân Linh-Phú Lạc-Đức Lương uốn lượn quanh những nương, đồi chè xanh mướt, chúng tôi tìm vào công trình hồ Nước Đục (xã Phú Lạc). Được biết, đây là công trình thuỷ lợi đầu tiên được khởi công trong Dự án cụm các công trình thuỷ lợi vùng đồi của huyện Đại Từ. Đồng chí Lưu Tuấn Vinh, Chủ tịch UBND xã Phú Lạc giới thiệu: Hồ Nước Đục được khởi công xây dựng từ tháng 6-2010, đến nay, công trình đã hoàn thiện các hạng mục như đập tràn, cống xả đáy, bể tiêu năng, cửa lấy nước hai bên, hệ thống kênh dẫn nước phục vụ sản xuất. Hiện công trình đang chuẩn bị được đơn vị thi công bàn giao, đưa vào sử dụng. Hồ có nhiệm vụ tưới nước cho 40 ha chè, gần 40 ha lúa, màu của người dân xóm Lũng, Đại Hà.

Anh Trần Hữu Quyết (xóm Lũng) đang cùng gia đình thu hái chè đông cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng 10 sào chè trung du, trung bình một năm chỉ thu hái được 5-6 lứa chè với tổng sản lượng khoảng 1,98 tấn chè búp tươi. Thêm nữa, giá chè khô chế biến từ chè trung du trên thị trường lại thấp, chỉ khoảng từ 50 đến 60 nghìn đồng/kg nên hiệu quả kinh tế không cao. Hơn 3 năm trở lại đây, gia đình tôi chuyển sang trồng chè Kim Tuyên cho năng suất, chất lượng cao, đặc biệt, giống chè này còn được sử dụng để chế biến chè Ôlong. Với 4 sào chè Kim Tuyên hiện nay, mỗi năm gia đình thu được khoảng 6,2 tạ búp tươi; không chỉ năng suất chè tăng, chất lượng chè tốt hơn và giá bán cao gấp 3-4 lần chè trung du (từ 150 đến 200 nghìn đồng/kg). Tuy nhiên, để làm được chè đông cho hiệu quả kinh tế cao thì chúng tôi rất cần nước tưới. Nay có hồ Nước Đục sắp đi vào sử dụng, không riêng gì gia đình tôi, nhiều hộ trồng chè khác trong xóm cũng rất vui mừng vì một năm có thể hái thêm 1-2 lứa chè nữa, điều đó đồng nghĩa với việc, một năm chúng tôi có thêm thu nhập vài chục triệu đồng từ cây chè.

Khởi công cùng một thời điểm với hồ Nước Đục, công trình thuỷ lợi hồ Ao Mật, xã Hoàng Nông cũng đang được đơn vị thi công gấp rút hoàn thành để đưa vào sử dụng. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Nông cho biết: Cây chè thường được người dân trồng trên đồi, do đặc thù như vậy nên để giữ nguồn nước từ dãy núi Tam Đảo phục vụ nước tưới cho sản xuất, chúng tôi không thể dùng đập dâng mà phải đầu tư xây dựng hồ chứa nước. Công trình hồ Ao Mật đi vào sử dụng sẽ làm nhiệm vụ tưới nước cho 14 ha lúa, 25 ha chè và 20 ha màu của địa phương, tới đây, nhiều chân ruộng hay đồi chè của người dân sẽ không còn tình trạng “khát” nước vào mùa khô nữa.
 
Nhờ xác định phát triển thuỷ lợi vùng đồi là nhiệm vụ trọng tâm để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo bước chuyển trong sản xuất nông, lâm nghiệp, ngoài việc đầu tư xây dựng 2 công trình thuỷ lợi vùng đồi là hồ Nước Đục và hồ Ao Mật với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng, huyện Đại Từ đã tích cực tu sửa, xây dựng cải tạo các hồ đập, trạm bơm, kênh mương khác để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo đánh giá, hệ thống hồ đập và các công trình thuỷ lợi vùng đồi trên địa bàn huyện Đại Từ có khả năng trữ nước đạt hơn 90% thiết kế, góp phần nâng hệ số sử dụng đất lên 2-3 lần/năm.
 
Đồng chí Trương Mạnh Kiểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết:     Chúng tôi đang từng bước triển khai xây dựng quy hoạch vùng chè nguyên liệu, chè đặc sản, nhất là quy hoạch vùng chè chất lượng cao. Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, thuỷ lợi vùng đồi để mở rộng diện tích chè chủ động được nước tưới và nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng chè. Trước mắt, vào quý I-2011, chúng tôi tập trung xây dựng hồ Đèo My (xã Minh Tiến), hồ Vai Cái (xã Văn Yên) là các công trình thuỷ lợi vùng đồi có tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng, đảm bảo nước tưới cho 50% diện tích chè của các địa phương và phục vụ làm chè vụ đông... Bên cạnh đó, huyện đã tính tới phương án quy hoạch hệ thống thuỷ lợi cụ thể, đáp ứng được nhu cầu nguồn nước, đầu tư các trạm bơm điện; cải tạo, nâng cấp, xây mới hồ, đập. Cùng với đó là cải tạo, xây dựng hệ thống cống, kênh mương đồng bộ để việc sử dụng nước tiết kiệm, có hiệu quả; quy hoạch trồng và phát triển rừng ở các xã vùng đồi để tạo nguồn sinh thuỷ cung cấp nước cho các hồ đập, kéo dài tuổi thọ công trình.