Trong 5 qua, mặc dù diện tích đất nông nghiệp của T.X Sông Công giảm gần 200ha để nhường đất cho phát triển công nghiệp và dịch vụ nhưng tổng sản lượng lương thực của thị xã hàng năm vẫn tăng trưởng ổn định, đảm bảo tốt vấn đề an ninh lương thực trên địa bàn. Vậy, đâu là giải pháp để thị xã thực hiện tốt công tác này.
Hiện nay, tổng diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn thị xã là 4.425 ha (giảm gần 200 ha so với năm 2005), trong đó diện tích đất canh tác là 2.525 ha, còn lại là đất trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Lâm, Chủ tịch UBND thị xã cho biết: “Do xác định rõ phát triển công nghiệp phải đi đôi với phát triển nông nghiệp bền vững nên trong những năm qua thị xã đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo tốt vấn đề an ninh lương thực trên địa bàn. Trong đó, tập trung vào 3 giải pháp chính: đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi; tích cực chuyển dịch cơ cấu giống trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm đồng đất ở địa phương và tăng cường chuyển giao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng. Về thủy lợi, trong 5 năm qua, thị xã đã xây dựng mới được 5 trạm bơm với tổng mức đầu tư trên 5 tỷ đồng, nâng tổng số trạm bơm của thị xã lên 12 trạm phân bổ đều khắp tại 9 xã, phường. Cùng với đó, để huy động nội lực trong dân, trong những năm qua, với phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, thị xã đã xây dựng được gần 100km kênh mương với tổng số tiền đầu tư hàng chục tỷ đồng. Đến nay, cơ bản hệ thống kênh tưới tiêu chính của thị xã đã được bê tông hoá để phục vụ cho phát triển sản xuất. Bên cạnh các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất do địa phương đầu tư, T.X còn được tỉnh quan tâm đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây mới và nâng cấp một số công trình thủy lợi lớn như hồ Gềnh Chè (xã Bình Sơn), hồ Lúc Lác (xã Vinh Sơn)… Nhờ đó, diện tích đất canh tác đã chủ động được nước tưới đạt gần 70%.
Cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi là việc chuyển dịch cơ cấu giống. Đối với cây lúa, do các giống lúa siêu nguyên chủng như Khang dân, Bao thai… được người dân gieo cấy nhiều nên để giúp người nông dân nâng cao chất lượng hạt giống, đảm bảo năng suất cây trồng, thị xã đã có chương trình hỗ trợ nông dân tự sản xuất hạt giống tại hộ gia đình bằng cách hỗ trợ 40% giá giống, một phần vật tư và tập huấn chuyển giao kỹ thuật. Nhờ đó, năng suất cây trồng ổn định, giảm được chi phí cho người nông dân. Bên cạnh đó, các giống lúa thuần chất lượng cao TL6, HT6 và các giống lúa lai Bio404, TH3-3, VN20… cũng được đưa vào gieo trồng. Với cây ngô, các giống ngô ngắn ngày, cho năng suất cao như VN4, BO6, CP999… được người dân đưa vào trồng trên diện rộng thay thế các giống ngô cũ. Đặc biệt, là việc mở rộng diện tích ngô vụ xuân đã tận dụng được các chân ruộng cao cạn không chủ động được nước đã giúp cho sản lượng ngô tăng lên. Năm 2010, dự ước sản lượng ngô đạt gần 3.400 tấn, tăng 20% so với năm 2009. Hàng năm, ngành chức năng của thị xã đã phối hợp với các đơn vị tổ chức 80-90 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt cho người dân. Vụ Đông Xuân này, 100% trà xuận muộn, lúa mùa sớm trên địa bàn thị xã thực hiện cấy mạ non tuổi bằng phương pháp gieo mạ khay. Ngoài ra, thị xã còn tích cực thực hiện các mô hình trình diễn các giống lúa mới, kỹ thuật gieo trồng mới như: Mô hình trình diễn 5ha lúa SH14 ở xóm Nguyên Gon ( phường Cải Đan), mô hình 4ha sử dụng phân bón Neb26 trên cây lúa tại xóm Làng Sắn (xã Tân Quang), mô hình gieo xạ bằng máy quay tay tại xóm Ao Ngo (phường Cải Đan)…đến nay, nhiều mô hình đã được nhân rộng ra địa bàn và phát huy hiệu quả.
Với các giải pháp trên đã giúp cho năng suất và sản lượng cây trồng của thị xã hàng năm đều tăng. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt tăng trung bình 0,1%/năm, năm 2009 đạt 17.165 tấn, dự ước năm 2010 là 17.000 tấn, đạt mục tiêu đề ra. Như vậy, trong 5 năm qua mặc dù diện tích đất trồng cây hàng năm của thị xã giảm gần 200 ha song tổng sản lượng lương thực cây có hạt đã tăng từ 16.800 tấn năm 2005 lên 17.165 tấn năm 2009, dự ước năm 2010 đạt 17.000 tấn, đạt mục tiêu của Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ VI đề ra.
Để thực hiện tốt vấn đề an ninh lương thực, trong thời gian tới thị xã tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là việc mở rộng diện tích lúa lai trên địa bàn (vì hiện nay diện tích lúa lai mới chỉ chiếm 7,5 - 8% cơ cấu giống). Ngoài ra, rau xanh các loại cũng sẽ đựợc chú trọng đưa vào trồng nhằm từng bước hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn. Được biết, hiện nay, rau xanh của người dân địa phương sản xuất mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, còn lại vẫn nhập từ các địa phương khác như Phú Bình, Phổ Yên…