Anh Đỗ Quốc Đạt, Chủ tịch UBND xã Hợp Thành (Phú Lương) hiện rõ niềm vui khi nói về con đường chính dẫn vào xã: Đó là sự nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất để con đường sớm đưa vào sử dụng. Người dân giờ đi lại rất thuận tiện, nông sản làm ra ít bị tư thương ép giá, đời sống kinh tế - xã hội nhờ đó đã được cải thiện rất nhiều.
Quả vậy, không vui sao được khi đường vào Hợp Thành hôm nay không còn giống như đường vào của mấy năm về trước. Con đường chưa nắng đã bụi, chưa mưa đã lầy, ngổn ngang ổ trâu, ổ voi giờ đã được trải nhựa phẳng phiu. Đi xe máy từ trung tâm huyện Phú Lương đến xã chỉ còn mất 15-20 phút. Để hoàn thành tuyến đường Phủ Lý – ATK Hợp Thành dài 8,2 km, trị giá trên 15 tỷ đồng này, đã có trên 100 hộ dân trong xã hiến hơn 8.000m2 đất. Điều này cho thấy nhận thức của người dân ở một xã có tới gần 80% hộ dân là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Cao Lan… đã có những đổi thay tiến bộ. Anh Lý Văn Đáo, một người dân ở xóm Khuân Lân, xã Hợp Thành cho biết: Người dân trong xã chúng tôi đã hiểu, hiến một chút đất nhưng đổi lại gia đình mình, con cháu mình và mọi người dân khác đi lại bớt khổ; từ đó mới mong phát triển kinh tế - xã hội…
Tư tưởng tiến bộ cũng đã được thể hiện ngay trên đồng ruộng của trên 630 hộ dân trong xã. 10 năm trước, người dân Hợp Thành chủ yếu cấy 2 vụ lúa, bằng các giống lúa địa phương; cơ cấu mùa vụ chủ yếu vẫn là xuân sớm và mùa muộn. Nhưng 5 năm trở lại đây, bà con đã đưa các giống lúa lai (TH 3-3, Syn6…), thuần chất lượng cao vào gieo cấy; cơ cấu mùa vụ đã được thay đổi; trong đó vụ xuân, chủ yếu cấy xuân muộn để tránh rét cho lúa; ở vụ mùa, cấy mùa sớm để tận dụng đất trồng thêm cây màu vụ đông. Nhờ đó, với diện tích trên 270ha, năm nay, năng suất lúa của xã đã đạt trên 50 tạ/ha, tăng 5 tạ/ha so với 5 năm trước, sản lượng thóc đạt trên 1.370 tấn/năm. Không chỉ đầu tư thâm canh cây lúa, người dân trong xã còn quan tâm phát triển cây ngô và các loại rau màu khác. Năm 2010, xã đã trồng được trên 60ha ngô, năng suất bình quân đạt khoảng 35 tạ/ha; gần 41ha cây màu các loại…
Để nâng cao thu nhập gia đình, người dân Hợp Thành cũng đã mạnh dạn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Hiện, xã đã có hơn 420 con trâu, bò; khoảng 2.000 con lợn và trên 18 nghìn con gia cầm các loại; nuôi trồng 12 ha thủy sản, sản lượng đánh bắt đạt khoảng trên 13 tấn…
Bên cạnh khuyến khích người dân đầu tư thâm canh, tăng năng suất cây lúa, ngô, rau màu và mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp, Hợp Thành còn vận động người dân tích cực đầu tư cho cây chè (được xác định là cây kinh tế mũi nhọn, giúp người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu). Hiện nay, xã có gần 200 ha chè, trong đó có gần 110ha chè kinh doanh. Nhờ đẩy mạnh thâm canh, đưa các giống chè cành năng suất, chất lượng (LDP1, TRI 777…) vào trồng nên năng suất chè ở Hợp Thành đã đạt khoảng 80 tạ/ha, tăng hàng chục tạ/ha so với 5, 6 năm trước.
Thực hiện Quyết định 167 của Chính phủ về hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, Hợp Thành đã có trên 150 hộ được làm nhà. Các hộ này đều nhận được sự quan tâm, động viên của cấp ủy, chính quyền và các ngành đoàn thể các cấp. Bên canh đó, Chương trình 135 của Chính phủ cũng đã dành cho Hợp Thành gần 200 triệu đồng để hỗ trợ người dân mua máy móc, cây, con giống phục vụ sản xuất nông nghiệp, làm đường giao thông liên xóm... Ngoài ra, xã cũng đã phối hợp tích cực với Trạm Khuyến nông huyện để tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt đến người dân. Những yếu tố này đã góp phần tích cực để người dân từng bước được ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Năm 2010 thu nhập bình quân đầu người đã đạt trên 6 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm từ 314 hộ xuống còn khoảng 290 hộ, trên 80% số hộ đã xây được nhà, mua được xe máy…
Để đời sống của người dân ngày càng ổn định, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mùa vụ cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tạo điều kiện cho bà con phát triển các mô hình kinh tế, nhất là các mô hình kinh tế tổng hợp vườn, ao, chuồng theo hướng sản xuất hàng hóa; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của xã tổ chức các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật đến người dân…