Đóng góp của vốn ngân hàng vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn

09:34, 21/12/2010

Nhằm đầu tư vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn (NN,NT), nông dân, nhất là các hộ gia đình, cá nhân, các doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực NN,NT, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, những năm qua, hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NHNo) từ tỉnh đến huyện đã luôn chú trọng mở rộng mạng lưới đến các xã, phương, thị trấn, vùng sâu, vùng xã để phục vụ nhu cầu vốn tín dụng cho khu vực NN,NT; khai thác mọi nguồn tiền nhàn rỗi tại chỗ trong dân cư để chủ động nguồn vốn cho vay.

 

Hiện tại, đồng vốn của NHNo đã “có mặt” ở 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Hệ thống các NHNo đã bám sát chủ trương phát triển kinh tế ở từng địa phương để đầu tư cho vay đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế cao. Việc triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế NN,NT như: Phát triển kinh tế trang trại, kiên cố hóa kênh mương, phát triển vùng nguyên liệu, khôi phục các làng nghề, phát triển cây chè, trồng cây ăn quả… đều có sự đóng góp không nhỏ của các NHNo từ tỉnh đến cơ sở trong việc đầu tư vốn cho sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, doanh số cho vay năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2006 là 2.027 tỷ đồng, trong đó cho vay NN,NT là 1.232 tỷ đồng. Năm 2010, đạt trên 5 nghìn tỷ đồng, riêng cho vay NN, NT là 2.250 tỷ đồng. Dư nợ cho vay cũng tăng trưởng: Năm 2006 là 1.450 tỷ đồng; 11 tháng năm 2010 là trên 3 nghìn tỷ đồng.

 

Chúng tôi đã đến thăm trang trại gà của gia đình ông Ngô Doãn Thinh ở xóm Vải, xã Cao Ngạn, T.P Thái Nguyên. Tuy xã Cao Ngạn đã chuyển về thành phố song ông Thinh vẫn đang là khách hàng của Chi nhánh NHNo Đồng Hỷ. Hiện, gia đình ông đang vay của Chi nhánh 200 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia công gà hậu bị cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (viết tắt là CT C.P). Ông tâm sự: “Gia đình tôi ký hợp đồng với CT C.P chăn nuôi gia công gà. CT cung cấp giống gà, thức ăn, thuốc thú y, dụng cụ đựng, cán bộ hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Còn gia đình tự lo xây dựng chuồng trại, điện, nước và công chăm sóc gà. Muốn ký được hợp đồng thì tối thiểu gia đình phải nuôi 4 nghìn con gà. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng chuồng trại, mắc hệ thống điện, nước ban đầu rất tốn kém. Hiện gia đình tôi có 4 chuồng gà, mỗi chuồng nuôi 4 nghìn con. Nếu không có sự hỗ trợ vốn vay của ngân hàng chắc gia đình cũng không thể làm nổi, vì riêng đầu tư xây dựng chuồng trại, điện, nước cũng đã lên đến tiền tỷ”.

 

Ông rất phấn khởi cho biết thêm: Nhờ có sự hỗ trợ vốn vay của Ngân hàng, tôi đã thực hiện nuôi gà gia công từ năm 2008, đến nay, kinh tế gia đình tôi đã tương đối ổn định. Nếu chăn nuôi suôn sẻ, không gặp dịch bệnh thì chẳng mấy chốc sẽ giàu có. So với 5 năm trước đây, gia đình  trồng lúa, trồng màu và làm đủ thứ việc nhưng cũng chỉ đạt tổng thu nhập 10 triệu đồng/tháng; nay riêng nuôi gà cũng cho tổng thu nhập 20 triệu đồng/tháng, nên gia đình đã có điều kiện xây nhà, mua sắm thiết bị, phương tiện đi lại phục vụ cuộc sống. Không riêng gì gia đình tôi, mà ở cùng xóm còn có gia đình anh Nguyễn Văn Vương, cha mẹ mất sớm, 6 anh em phải tự bươn chải nuôi nhau, trong khi đó, chỉ trông vào mấy sào ruộng nên cuộc sống nghèo lắm. Thế rồi, gia đình anh cũng quyết định chuyển sang chăn nuôi gà và được NHNo Đồng Hỷ cho vay lúc đầu 5 triệu đồng, sau tăng dần và hiện tại đang dư nợ 250 triệu đồng, nuôi 8 nghìn con gà. Gia đình anh cũng đã có cuộc sống ổn định, hiện đang xây nhà 3 tầng, anh Vượng còn lo toan dựng vợ gả chồng cho các em tươm tất.

 

Qua trao đổi với chị Vũ Thị Tuyết Ngân, Giám đốc Chi nhánh NHNo Đồng Hỷ, chị cho biết: Những năm 2003-2004, Cao Ngạn là một trong những xã nghèo nhất của huyện Đồng Hỷ do các hộ chủ yếu làm nông nghiệp; ruộng đất lại toàn sỏi đá, không màu mỡ. Lúc đó cả xã chỉ có 1 trang trại của ông Ngô Doãn Mai nuôi 2 nghìn con gà. Việc đầu tư vốn cho các hộ dân ở đây làm cho cán bộ tín dụng rất ái ngại, vì họ nghèo, khả năng trả nợ khó; lại thêm dịch bệnh. Song, trước nhu cầu vay vốn của người dân, NHNo Đồng Hỷ cũng mạnh dạn đầu tư cho một số hộ để mở mang chăn nuôi cải thiện cuộc sống. Vì vậy, chỉ sau vài năm, xã đã có nhiều hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà, lợn. Hiện nay, cả xã đã có 35 trang trại gà và lợn (chủ yếu là gà). Một số hộ gia đình không có đất mở rộng trang trại đã phát triển lên cả các xã Minh Lập, Linh Sơn. Tổng dư nợ cho các hộ làm trang trại chăn nuôi gà của huyện năm 2010 là 13 tỷ đồng, riêng ở xã Cao Ngạn 7 tỷ đồng.

 

Trên đây chỉ là một số hộ đại diện cho 42 nghìn hộ gia đình, cá nhân ở khu vực NN,NT trên địa bàn tỉnh đã và đang tiếp cận đồng vốn của NHNo để thực hiện chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, còn có nhiều mô hình trang trại lớn đang có dư nợ NHNo hàng tỷ đồng như: trang trại nuôi lợn nái ngoại của bà Trần Thị Mai ở thị trấn Sông Cầu, Đồng Hỷ (dư nợ 4,3 tỷ đồng); trang trại lợn của Công ty TNHH Hoàn Dung, Lê Thị Hạnh ở Phổ Yên, mỗi hộ trên 2 tỷ đồng… Nhờ vậy, cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực: Giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi; cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển dịch theo hướng đa canh, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Có thể nêu một vài mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế điển hình như: các xã của huyện Đồng Hỷ gồm Văn Hán, Minh Lập; Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu ở Thành phố Thái Nguyên (TPTN); La Bằng (Đại Từ); Tức Tranh, Vô Tranh (Phú Lương) đã thay thế giống chè cũ để trồng những giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao hơn; ở huyện Phổ Yên, Đồng Hỷ đã thực hiện Đề án dồn điền đổi thửa để hình thành nhiều trang trại lợn, gà hàng hóa cung cấp cho thị trường; xây dựng cánh đồng đạt từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên; hình thành vùng hoa Hùng Sơn (Đại Từ), Túc Duyên (TPTN); một số xã ở huyện Phổ Yên, Phú Bình đã chuyển từ đất lúa sang trồng dưa chuột bao tử, bí xanh siêu quả; một số hộ dân ở Phú Bình đã vay vốn để chuyển đổi ngành nghề bằng việc đầu tư mua ô tô xe tải hạng nhẹ để thay thế công nông vận chuyển hàng hoá phục vụ khu vực nông thôn… Đó là chưa kể nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục và đang phát triển mạnh. Từ đó, cơ cấu lao động trong NN,NT có sự chuyển dịch tích cực gắn với sự chuyển hướng của cơ cấu kinh tế theo hướng tăng lao động trong ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.

 

Trên đây chỉ là bức tranh chấm phá về sự đóng góp của đồng vốn NHNo với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong NN,NT ở tỉnh. Trong những năm tới, NHNo tỉnh đang phấn đấu dư nợ cho vay khu vực NN,NT đạt mức tăng trưởng bình quân 18%-20%/năm, tăng tỷ trọng cho vay NN,NT, nông dân, trong đó, dư nợ cho vay hộ gia đình, cá nhân chiếm tỷ trọng khoảng gần  90%/tổng dư nợ (năm 2009 đạt 85%; năm 2010 đạt 88,8%/tổng dư nợ) và tăng suất đầu tư cho các hộ gia đình, cá nhân để đạt các mục tiêu về phát triển nông, lâm nghiệp của tỉnh đề ra.