Trong vai một khách hàng, tôi đã đến một số ngân hàng trên địa bàn để thăm dò hoạt động cho vay và huy động vốn. Trong xu thế cạnh tranh, mỗi ngân hàng đều đưa ra cách “cạnh tranh” khác nhau để huy động vốn.
Tại Ngân hàng Techcom banhk, mức huy động lãi suất được áp dụng từ ngày 20/11 đối với tiền đồng Việt Nam cụ thể như sau: mức gửi 100 triệu đồng trở lên, lãi suất 1 tuần là 11,8%; 2 tuần là 11,9%; 3 tuần là 11,95%. Tiết kiệm gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng có mức lãi suất chung là 12%/năm, song lại được khuyến mại bằng hình thức: Gửi kỳ hạn 3 tháng được tặng một áo mưa; 6 tháng được tặng 1 bộ cốc (4 chiếc)… Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam, Chi nhánh Thái Nguyên (NHCT), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Thái Nguyên (NHĐT); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh Sông Cầu (NHNoSC) từ ngày 18/11, khách hàng gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn từ 1-12 tháng có mức lãi suất chung là 13%/năm. Còn khách hàng gửi từ 13 tháng trở lên sẽ có những mức lãi suất huy động và hình thức khuyến mại khác nhau để thu hút khách hàng gửi tiền.
Ví dụ, NHCTTN, khách hàng gửi từ 18-60 tháng lãi suất là 11%/năm. NHNoSC, khách hàng gửi có kỳ hạn 18 tháng là 10,5%/năm; tiền gửi tiết kiệm bậc thang có kỳ hạn 12 tháng là 0,72%/tháng; tiền gửi tiết kiệm dự thưởng, cứ gửi đủ 10 triệu đồng, kỳ hạn 18 tháng được nhận 1 phiếu dự thưởng; gửi 6 triệu đồng kỳ hạn 360 ngày, lãi suất 13%/năm và được nhận 1 phiếu dự thưởng. Đối với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (NAVIBANK), lãi suất tiết kiệm huy động cao hơn so với các ngân hàng khác: khách hàng gửi kỳ hạn từ 1-3 tháng lãi suất 13,5%/năm; gửi 6 tháng và 9 tháng lãi suất 12%/năm; gửi 18-60 tháng có lãi suất 10,5%/năm và phương thức lĩnh lãi cũng khác nhau (ví dụ gửi trên 1 triệu đồng, kỳ hạn 2 tháng thì được tính lãi suất là 13,42%/năm; 9 tháng hưởng lãi suất 11,55/năm; gửi hàng quý, 6 tháng lãi suất 11,83%/năm, 9 tháng lãi suất 11,88%/năm). Bên cạnh đó, NAVIBANK còn có nhiều hình thức khuyến mãi như: Gửi kỳ hạn 1 tháng 60 triệu đồng, hoặc 2 tháng 30 triệu đồng, hoặc 3 tháng 20 triệu đồng được nhận 1 phiếu dự thưởng 50 nghìn đồng; gửi 600 triệu đồng kỳ hạn 1 tháng, hoặc 300 triệu đồng kỳ hạn 2 tháng, hoặc 200 triệu đồng, kỳ hạn 3 tháng được nhận một phiếu dự thưởng 500 nghìn đồng…
Mức lãi suất cho vay cũng có sự khác nhau giữa các ngân hàng. Các NHTM Nhà nước nhìn chung thực hiện theo đúng quy định lãi suất, (16% đối với ngắn hạn; 16,5% cho vay trung, dài hạn) để khuyến khích sản xuất, kinh doanh; thậm chí có ngân hàng đưa ra mức lãi suất lên đến 18% (cho vay tiêu dùng, không khuyến khích cho vay). Còn một số ngân hàng cổ phần có sự “linh hoạt” hơn. Ví dụ như NAVIBANK, mức lãi suất cho vay từ 19%/năm (cho vay sản xuất, kinh doanh) đến 21%/năm (chủ yếu cho vay tiêu dùng). Điều này cũng dễ hiểu vì NAVIBANK huy động vốn cao hơn thì cho vay cũng sẽ cao hơn. Một số ngân hàng không niêm yết công khai lãi suất cho vay, nên sẽ khó kiểm soát được lãi suất thực tế…
Tuy nhiên, vòng qua các ngân hàng, không khí vay và cho vay không mấy tấp nập. Tình hình các ngân hàng tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang có tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, trong khi các doanh nghiệp đang vào thời điểm “nước rút” để hoàn thành kế hoạch năm và chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2011. Ông Phạm Văn Quang, Giám đốc Công ty Điện tử Quang Thái, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thành phố cho biết: “Theo đánh giá chung về sức mua của người dân trong thời điểm này là đang chững lại. Riêng Công ty Điện tử Quang Thái, sức mua giảm đến 30% so với những tháng trước. Lãi suất của ngân hàng tăng cao nên động thái của một số người dân là mang tiền đi gửi tiết kiệm, còn một số doanh nghiệp cũng có xu hướng “dãn” kinh doanh. Chỉ trừ các doanh nghiệp sản xuất, đầu tư lớn là vẫn phải duy trì sản xuất nhưng rất chật vật.
Nói về vấn đề này, ông Dương Đình Tập, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Bê tông và Xây dựng Thái Nguyên cho biết: Thời điểm này, Công ty đã hoàn thành vượt mức kế hoạch (kế hoạch năm 2010, thực hiện doanh thu đạt 130 tỷ đồng, nhưng hết tháng 11/2010 đã đạt 170 tỷ đồng). Công ty đang phấn đấu kết thúc năm 2010 sẽ đạt doanh thu 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ giữa tháng 11/2010, lãi suất ngân hàng tăng cao lên đến 19%/năm (những tháng trước lãi suất chỉ ở mức 13-14%/năm), sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty. Đây cũng sẽ là tình trạng chung của các doanh nghiệp. Vì vậy, giải pháp tối ưu vẫn là tiết kiệm các chi phí trong khâu sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; huy động vốn từ nhiều nguồn để duy trì sản xuất. Doanh nghiệp cũng rất mong Nhà nước có chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho các đơn vị sản xuất.
Từ những thực tế trên, thiết nghĩ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Thái Nguyên nên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát lãi suất huy động vốn và cho vay của các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước. Đồng thời ngăn chặn được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến các ngân hàng làm ăn nghiêm túc và gây bất ổn cho nền kinh tế nói chung.