Làm chè vụ đông ở Đồng Hỷ

14:20, 17/12/2010

Xác định chè là cây kinh tế mũi nhọn, cây làm giàu nên những năm trở lại đây, người dân Đồng Hỷ rất quan tâm đầu tư phát triển loại cây này. Để nâng cao giá trị của cây chè, cùng với việc mạnh dạn đầu tư, thâm canh, mở rộng diện tích và cải tạo những diện tích chè bị cằn cỗi, người dân Đồng Hỷ còn mạnh dạn làm chè vụ đông.  

 
Anh Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Đồng Hỷ có khoảng 2.600ha chè, trong đó có 2.400ha chè kinh doanh. Riêng vụ đông năm nay, bà con sản xuất trên 600 ha chè, cao hơn vụ đông năm ngoái 100 ha và là năm có diện tích làm chè đông cao nhất từ trước đến nay. Các nơi có truyền thống làm chè vụ đông là Khe Mo, Minh Lập, Hòa Bình, Văn Hán, Nam Hòa và thị trấn Sông Cầu...
 
Để tìm hiểu phương thức làm chè vụ đông của người dân Đồng Hỷ, chúng tôi đã về xã Minh Lập, nơi có tới gần 50 ha chè vụ đông. Đang là thời điểm giữa mùa đông lạnh giá, cây cối héo úa mà nhiều đồi chè ở Minh Lập vẫn trổ búp non xanh mướt. Ông Phạm Hùng Vinh, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Hương Trà, xã Minh Lập nói: Làm chè đông rất khác với sản xuất chè chính vụ. Theo phương thức làm chè truyền thống, phải đến cuối tháng 12 năm trước, đầu tháng 1 năm sau, người dân mới đốn chè để chuẩn bị cho vụ thu hoạch chè xuân. Nhưng để sản xuất chè vụ đông, sau khi thu hái lứa chè cuối vụ, bà con bắt đầu đốn chè từ tháng 9, 10 hoặc tháng 11 rồi tập trung chăm sóc để thu thêm 2 đến 3 lứa chè đông trước khi bước vào thu hoạch vụ chè chính là chè xuân.
 
Không chỉ cắt, cúp chè đúng thời điểm, để làm chè vụ đông hiệu quả thì điều quan trọng nhất là người làm chè phải bảo đảm được nguồn nước tưới cho cây. Bởi vậy, cùng với việc khoan giếng, tận dụng nguồn nước ngầm và xây bể trên đồi để bơm chuyền trữ nước phục vụ tưới chè, đa phần những diện tích chè vụ đông ở Đồng Hỷ đều gần các khe, suối hoặc chủ yếu là những diện tích chè nằm dọc theo con sông Cầu. Theo anh Nguyễn Thanh Phương, việc chọn những nương chè gần nguồn nước hoặc có điều kiện tưới tiêu thuận lợi là nhằm cúp bớt tán, bón phân, dùng máy bơm tưới nước cho chè được thường xuyên. Thông thường, mỗi tuần bà con sẽ tưới cho chè từ 1 đến 2 lần để kích thích cho chè ra búp.
 
Ngoài ra, để chè đông cho năng suất cao, các hộ dân sản xuất chè ở Đồng Hỷ đã đầu tư rất nhiều công chăm bón. Theo kinh nghiệm của các hộ làm chè đồng ở Đồng Hỷ, bà con thường bón nhiều phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thảo mộc. Ông Phạm Hùng Vinh cho rằng: Vi sinh sẽ làm cho vườn chè bền cây, đạt sản lượng cao, chất lượng búp chè thơm ngon và an toàn, thị trường dễ chấp nhận, bán được giá cao. Ông khuyến cáo mọi người nên dùng vòi phun nước tưới nhẹ trên mặt tán để rửa sương cho chè khỏi bị cháy lá, giảm sản lượng vào những ngày đông có sương muối.
 
Trên thực tế, năng suất chè đông chỉ bằng 2/3 chè xuân, chè chính vụ, chè đông cũng đòi hỏi công chăm bón nhiều hơn, tuy nhiên, chi phí đầu tư thêm cho chè đông không nhiều nhưng giá bán lại cao gấp 2 đến 3 lần chè xuân, chè chính vụ nên hiệu quả kinh tế cũng cao hơn. Nếu như vào chính vụ, giá chè chỉ giao động ở mức 70 đến 80 nghìn đồng/kg thì vụ đông, giá chè có thể lên tới 150 nghìn, thậm chí 200, 300 nghìn đồng/kg chè búp khô. Vào dịp Tết nguyên đán hằng năm, chè đông ở Đồng Hỷ làm ra không đủ bán. Riêng chè đặc sản Trại Cài (Minh Lập, Hòa Bình) đã được thương lái thu mua để mang đi tận Thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền Nam tiêu thụ. Có những hộ gia đình làm chè đặc sản ở Minh Lập đã bán chè với giá nửa triệu đồng/kg.
 
Sản xuất chè vụ đông đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, tuy nhiên, để loại hình sản xuất này ngày càng phát triển, địa phương cần quy hoạch những vùng có đủ khả năng làm chè vụ đông để có sự hỗ trợ, đầu tư đúng mức; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật; tiếp tục tạo điều kiện để các hộ dân được vay vốn từ các ngân hàng để đầu tư làm chè vụ đông.