Nghề phụ ở Xuân Phương đang gặp khó

13:49, 30/12/2010

Làm gạch, làm mộc, làm thợ xây, phát triển dịch vụ… là những nghề phụ đang mang lại thu nhập chính cho hầu hết các gia đình ở xã Xuân Phương (Phú Bình).

 

Từ những nghề này, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, nghề làm mộc và làm gạch ở đây đang gặp phải một số khó khăn…

           

Nằm cách trung tâm huyện không xa, từ nhiều năm nay, nghề làm gạch, ngói ở xã Xuân Phương rất phát triển. Toàn xã hiện có 170 lò gạch thủ công (chiếm 50% tổng số lò gạch trên địa bàn huyện). Nghề làm gạch đã và đang giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động địa phương. Hiện, mức lương được trả cho người làm công là từ 70-100 nghìn đồng/người/ngày; còn của chủ lò đạt từ 1,5-2 triệu đồng/1 vạn viên (trung bình mỗi lò từ 5-8 vạn viên), mỗi lò đốt được khoảng 6-8 lần/năm. Nhiều gia đình ở Xuân Phương đã có hai ba đời làm nghề thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.

 

Bên cạnh nghề sản xuất gạch, 2-3 năm trở lại đây, Xuân Phương còn "nổi tiếng" với nghề làm mộc. Trên địa bàn xã hiện có hơn 30 xưởng mộc, thu hút trên dưới 200 lao động. Hầu hết các xưởng mộc trên địa bàn đều sản xuất được các sản phẩm cao cấp, theo mẫu mã của sản phẩm mộc Đồng Kỵ. Mỗi năm, các "gia chủ" thu lãi từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng; còn mức lương của người lao động được trả từ 70-150 nghìn đồng/ngày. Ngoài ra, có khoảng trên dưới 500 người dân trong xã đi làm ăn xa  tại các thành phố lớn, chủ yếu ở 2 nghề: thợ xây và thợ mộc.

 

Việc phát triển nghề phụ đã giúp Xuân Phương những năm gần đây có nhiều thay đổi. Những ngôi nhà 2, 3 tầng với kiến trúc hiện đại được mọc lên ngày càng nhiều; 6/14 xóm đã cơ bản bê tông hoá được các tuyến đường; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% năm 2007, xuống còn 16,8% (hiện nay); hơn 20 hộ mua được ô tô để làm kinh doanh vận tải; gần 100% các gia đình có phương tiện nghe nhìn; hàng trăm gia đình sắm được 2-3 chiếc xe máy. Nhiều hộ đã mua được các trang thiết bị hiện đại để phục vụ cho nhu cầu hàng ngày, như: tủ lạnh, bình nóng lạnh, điều hoà. Việc ăn, mặc, học tập của con cái cũng được các gia đình quan tâm, tạo điều kiện. Chỉ trong 2 năm học gần đây, Xuân Phương có tới 44 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, 45 em thi đỗ vào các trường cao đẳng.

Tuy nhiên, nghề mộc và nghề sản xuất gạch ở Xuân Phương đang gặp phải khó khăn. Do phát triển theo hướng tự phát nên cả 2 nghề này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Do thiếu diện tích nên nhiều hộ đã chiếm dụng đường đi để làm mộc. Một số hộ muốn mở rộng sản xuất nhưng không có đất. Để giải quyết được vấn đề này, UBND xã đã có công văn trình các cơ quan chức năng của huyện đề nghị tạo điều kiện để xã thành lập làng nghề mộc Xuân Phương. Và xã cũng đã tính đến việc quy hoạch một khu đất để đưa toàn bộ các xưởng mộc vào đó. Tuy nhiên, những mong muốn, đề xuất đó giờ vẫn dừng lại ở chủ trương, đang rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành chức năng. Đối với nghề sản xuất gạch, ngày 1/1/2010, thời điểm Chính phủ quy định các lò gạch thủ công phải ngừng hoạt động thì hàng trăm gia đình nơi đây sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong việc chuyển đổi hình thức sản xuất hoặc tìm kiếm việc làm mới.

 

Đồng chí Dương Nghĩa Định, Chủ tịch UBND xã Xuân Phương cho biết: Xã đã cử cán bộ cùng một số hộ sản xuất gạch có quy mô lớn đến Mỏ than Núi Hồng (Đại Từ) tìm hiểu về sản xuất gạch không khói; vận động các hộ tham gia thành lập hợp tác xã để xây lò gạch liên hoàn. Song, không phải hộ dân nào cũng có điều kiện tham gia vì kinh phí để xây lò gạch khá lớn, từ 1-3 trăm triệu đồng.

 

Anh Nguyễn Văn Cần, chủ lò gạch ở xóm Tân Sơn không khỏi lo lắng khi tâm sự với chúng tôi: Nhiều năm nay, nghề làm gạch đã mang lại thu nhập chính cho gia đình tôi. Hiện, tôi chưa biết phải xoay sở thế nào để đảm bảo cuộc sống trong thời gian tới vì không đủ tiền xây lò gạch liên hoàn hay lò gạch không khói theo quy định. 15 lao động gia đình thuê với mức lương 90-120 nghìn đồng/ngày/người cũng chưa biết tìm việc gì khi đồng loạt các chủ lò phải ngừng sản xuất. Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước thông qua việc cho vay vốn có hỗ trợ lãi suất.

 

Mong rằng, các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh sẽ quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ những hộ dân đang làm nghề ở Xuân Phương nói riêng, trên địa bàn tỉnh nói chung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, để những hộ dân này ổn định sản xuất, góp phần bình ổn thị trường khi mà nhu cầu về các sản phẩm này trong nhân dân ngày một cao.