Những nông dân tiên phong

17:41, 15/12/2010

Từ nhiều năm gần đây, ở huyện Phú Lương xuất hiện những triệu phú nông dân. Họ làm rừng, làm ruộng và làm kinh tế theo mô hình V.A.C đạt hiệu quả kinh tế cao. Trao đổi với chúng tôi, ông Nông Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện tự hào: Đó là những nông dân tiên phong trong phong trào ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư vốn cho phát triển sản xuất và dần trở thành hộ giàu của huyện.

 

Mỗi nông dân một cách làm, nhưng họ có một điểm chung là chịu khó tần tảo, biết thiết kế vườn, bãi khoa học để việc đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế. Ông Mai Khánh Toàn, xóm Bờ Đậu (Cổ Lũng) là một điển hình. Trên một khu đất rộng hơn 8.000 m2 của gia đình, ông thiết kế xây dựng mô hình kinh tế VAC. Để có được mô hình kinh tế cho thu nhập ổn định như hôm nay, vợ chồng ông đã không quản vất vả, cực nhọc sương nắng để san bạt đồi bãi, cải tạo đất để đầu tư trồng cây và chăn nuôi đạt hiệu quả. Với suy nghĩ sỏi đá không phụ công người, chỗ trũng ông đắp kè, đào được chiếc ao thả cá rộng 2.000m2; hơn 5.000 m2 đất dốc ông đầu tư trồng chè; 600 m2 đất khô ráo ông đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà. Từ mô hình kinh tế này, mỗi năm gia đình ông có thu nhập đạt hơn 125 triệu đồng, trong đó 35 triệu đồng từ tiền bán chè búp khô; 30 triệu đồng tiền bán cá và khoảng 50 triệu đồng tiền bán lợn, gà. Tính trung bình nhân khẩu trong nhà đạt thu nhập hơn 16 triệu đồng/người/năm. Không chỉ là một nông dân làm ăn giỏi, ông Toàn còn là một hội viên nông dân xã tích cực, năng động trước các phong trào địa phương, được bà con trong vùng quý mến.

 

Để hiểu hơn về những nông dân tiên phong trong phong trào làm giàu, chúng tôi đã gặp những điển hình tiên tiến để trò chuyện, tìm hiểu bí quyết làm giàu. Ông Diệp Văn Lâm, người dân tộc Sán Dìu ở xóm Cao Sơn 1, xã Sơn Cẩm cười vui: Bí quyết gì đâu, cứ khắc làm, khắc có. Đưa chúng tôi đi thăm trang trại, ông bảo: Mỗi năm gia đình tôi thu hoạch đạt 400 triệu đồng tiền bán lợn; 10 triệu đồng tiền bán gà; 36 triệu đồng tiền bán đậu phụ và nhiều khoản khác cộng lại được 462 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 112 triệu đồng, bình quân nhân khẩu trong nhà đạt 28 triệu đồng/người/năm. Trò chuyện với ông Diệp, chúng tôi biết đã từ nhiều năm gần đây, mô hình kinh tế của gia đình ông được nhiều nông dân trong tỉnh đến tham quan học tập. Hơn thế, một số hội viên nông dân nghèo trong xã hằng năm đều được ông cho vay vốn bằng con giống, cây giống và hướng dẫn thêm về khoa học kỹ thuật trong phát triển chăn nuôi, trồng trọt.

 

Trong phát triển kinh tế hộ, với ông Trịnh Văn Hồng, phố Giá 2 (Phấn Mễ) lại gặp nhiều lận đận trên “con đường” làm giầu. Nhà có 4 khẩu, nhưng trước đây gia đình ông thường xuyên túng thiếu. Song thông qua sinh hoạt Hội nông dân, được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nhất là các lớp tập huấn hỗ trợ cho nông dân kiến thức kinh doanh, ông suy nghĩ rất nhiều và từng bước đầu tư phát triển kinh tế của gia đình theo mô hình V.A.C. Trên diện tích 1.200m2 đất của gia đình, ông quy hoạch thành từng khu chăn nuôi lợn, ao thả cá và gia cầm. Ông cho biết: Làm nông dân quan trọng là chịu khó, biết đầu tư, biết tận dụng sản phẩm thừa trong sinh hoạt hằng ngày phục vụ cho chăn nuôi. Từ 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu nhập được 144 triệu đồng đã trừ chi phí, trung binh mỗi nhân khẩu trong nhà đạt thu nhập 36 triệu đồng/người/năm.

 

Trở về xóm Tân Khê (Tức Tranh), vào thăm gia đình bà Dương Thị Liên, ngắm nhìn một cơ ngơi bề thế, chúng tôi biết chủ nhân của ngôi nhà là một người đàn bà năng động, chịu thương chịu khó. Bà Liên chân chất bảo: Trước đây, tôi cũng loay hoay mãi mà cuộc sống kinh tế gia đình không hết khó khăn. Tận năm 2001, thấy một số hộ trồng chè cành giống mới cho hiệu quả kinh tế cao, tôi mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng 1 vườn ươm, giâm thử 6 vạn hom/vụ, chủ yếu là TRI 777, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên... Khi xuất bán được giá cao hơn 1,5 lần so với hom chè giống Trung du. Có lãi, tôi mở rộng vườn ươm ở quy mô 40 vạn hom giống/vụ, rồi dần phát triển lên 50 vạn hom giống/vụ như hiện nay. Ngoài ra, gia đình tôi còn 5 ha đất đều trồng chè cành giống mới, hiện đã cho thu hoạch... Hiện trong vùng chè này gồm Tức Tranh, Vô Tranh... bà con đang có nhu cầu chuyển đổi diện tích chè già cỗi sang trồng chè cành giống mới cho năng suất cao, vì thế gia đình tôi luôn coi trọng chất lượng giống để phục vụ bà con.

 

Trên những con đường về xóm, ngõ của huyện Phú Lương, chúng tôi được “sải chân” qua từng nương chè giống mới của Tức Tranh, Vô Tranh; của vùng lúa Hợp Thành, Phủ Lý; qua những cánh rừng của Yên Đổ, Yên Ninh... chốc chốc lại bắt gặp một chiếc xe ô tô vận tải hoặc xe 4 chỗ bươn bả trên đường, mà chủ nhân của nó là những người nông dân mới, biết lo toan, biết đầu tư sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường... Trong chuyến đi này, chúng tôi còn được bà Nguyễn Thị Kim Khu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Lương cho biết: Làm giàu đang trở thành một phong trào lớn trong nông dân, nếu như năm 2009 toàn huyện có hơn 3.000 hộ nông dân đăng ký gia đình sản xuất kinh doanh giỏi, thì năm 2010 toàn huyện có trên 7.000 hộ đang ký, tăng gấp đôi, và có khoảng hơn 80% số hộ đăng ký đạt tiêu chí này.