Hôm chúng tôi đến, cả xóm Yên Thủy 4, xã Yên Lạc (Phú Lương) đều quây quần tại nhà đồng chí công an viên để ăn mừng xóm được đón Bằng công nhận làng nghề. Với bà con xóm Yên Thủy thì đây là sự kiện trọng đại nhất kể từ ngày họ rời quê hương Phú Xuyên (Hà Tây) về đây khai phá vùng kinh tế mới. Trong ngày vui, mọi người nâng ly chúc nhau, niềm vui như vỡ òa khắp căn nhà, lan tỏa trên những đồi chè xanh bát ngát…
Ngược dòng thời gian trở về những tháng ngày mới thành lập xóm, ông Nguyễn Văn Túc, Trưởng xóm Yên Thủy 4 nhớ lại: Đó là năm 1976, chúng tôi chỉ có 17 hộ dân từ huyện Phú Xuyên dắt díu nhau lên đây khai phá vùng kinh tế mới theo chủ trương của Đảng. Trước đây, nơi này toàn là rừng rậm hoang vu, đường không có, điện cũng không, cuộc sống vô cùng chật vật. Khó khăn, vất vả và nhớ quê hương da diết đã khiến một số người dao động muốn quay về. Nhưng rồi từ niềm tin vào sự chỉ lối, dẫn đường của Đảng, chúng tôi đã bám trụ với quyết tâm biến khu rừng này thành mảnh đất đầy lộc biếc. Thời điểm đó, cây chè Thái cũng đã nổi tiếng khắp nơi bởi hương thơm, vị đượm, nông dân một số vùng lân cận cũng đã trồng chè nên chúng tôi đã bắt tay vào phát rừng trồng chè. Cây chè bắt đầu nảy lộc ở Yên Thủy 4 từ đó. Cuộc sống của 17 hộ dân chúng tôi dần dần được ổn định. Và xóm ngày đông vui hơn khi có 50 hộ nữa ở Phú Xuyên lên đây làm kinh tế.
Hiện xóm Yên Thủy 4 có 127 hộ với gần 500 nhân khẩu, gồm 3 dân tộc là: Kinh, Mường, Sán Chí cùng chung sống. Xóm có diện tích tự nhiên là 95ha, trong đó có 62ha chè. Những năm gần đây, do biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè nên hiệu quả kinh tế đã được nâng lên đáng kể. Nhất là từ năm 2001, được sự quan tâm của Nhà nước, UBND huyện Phú Lương đã mở lớp tập huấn IPM về làm chè an toàn, bà con đã áp dụng và đạt hiệu quả cao. Một trong những hộ làm chè đạt hiệu quả là gia đình ông Đào Văn Truyền, ông cho biết: Gia đình tôi có hơn 10 sào chè, nhờ được tập huấn sản xuất chè theo phương pháp IPM nên tôi đã biết chăm sóc và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đúng thời điểm và liều lượng, năng suất đã tăng từ 1,6 tạ lên 2 tạ búp tươi/sào, chè của gia đình tôi thường bán được với giá cao. Hiện nay, tôi đang bán với giá khoảng 120 nghìn đồng/kg búp khô. Thấy được hiệu quả từ việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều gia đình đã học tập và làm theo, hiện hầu hết các hộ trồng chè đều đã thực hiện theo phương pháp này. Chè của xóm đã được nhiều người biết đến là sản phẩm an toàn, đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định.
Không chỉ tập trung vào sản xuất chè an toàn, bà con nơi đây còn chú trọng vào việc đưa giống chè có năng suất, chất lượng cao vào trồng thay thế giống chè trung du trước đây. Đến nay, trong tổng số 62ha chè của xóm có trên 10ha là những giống chè cành như: Tri 777, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, LDP1. Việc cải tạo giống chè cũng đã đem lại hiệu quả đáng kể trong sản xuất, kinh doanh của các hộ. Anh Nguyễn Văn Hiến cho biết: Năm 2007, tôi đi tham quan một số vùng chè trong tỉnh thấy bà con đốn chè cũ để trồng giống chè cành, tôi cũng học làm theo với 0,5 sào. Thấy năng suất cao hơn hẳn giống chè gia đình đang trồng, giá bán cũng cao hơn khoảng 40 nghìn đồng/kg nên tôi đã đốn 3 sào chè già cỗi để trồng bằng giống Phúc Vân Tiên và LDP1. Hiện nay, diện tích chè cành này cho thu nhập mỗi năm khoảng 40 triệu đồng, cùng với 5 sào chè trung du mỗi năm tổng thu nhập của gia đình đạt khoảng 70 triệu đồng.
Sau hơn 20 năm ở lại Thái Nguyên cũng là ngần ấy năm gắn bó với cây chè, bà con xóm Yên Thủy 4 không ngừng tích lũy kinh nghiệm về trồng, chăm sóc và chế biến chè, hiểu đặc tính của cây chè. Chè Yên Thủy 4 đã được nhiều thương gia đến đặt hàng. Đời sống của bà con theo đó đã được nâng lên, từ chỗ 100% số hộ thuộc diện đói nghèo, đến nay, xóm chỉ còn 8 hộ nghèo. Được Nhà nước quan tâm, xóm đã được xây 1 đập tràn liên hợp để có điều kiện sản xuất chè vụ đông. Năm 2009, xóm cũng được tỉnh đầu tư kéo lưới điện hạ thế 0,4KV để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Tấm bằng công nhận làng nghề, với mỗi người dân nơi đây đều xem đó là sự động viên, khích lệ, cũng là để nhắc nhở mỗi người dân cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm chè; giúp họ thêm tin, yêu và gắn bó xây dựng quê hương Yên Thủy 4.