Phát huy thế mạnh cây trồng, vật nuôi

09:39, 29/12/2010

Trong những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của xã Điềm Mặc (Định Hóa) đã  giảm mạnh  từ 458 hộ, chiếm 49% (năm 2006) xuống còn 286 hộ, chiếm 25,2% (đến nay). Để đạt được những điều này, Đảng bộ và nhân dân xã đã tập trung vào phát triển các loại cây trồng vật nuôi thế mạnh là: cây chè và chăn nuôi đại gia súc. 

Xác định cây chè là cây trồng thế mạnh, Điềm Mặc đã tập trung vào việc nâng cao sản lượng và chất lượng của cây chè. Ông Đoàn Viết Hưởng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Cây chè đã được trồng ở xã cách đây 40 đến 50 năm. Đến nay, diện tích chè của xã đã đạt 340ha, trong đó có 295ha chè kinh doanh, có tới 90% số hộ trong xã tham gia sản xuất và kinh kinh doanh chè, cá biệt có gia đình ông Mông Chí Minh, xóm  Đồng Vinh 2 có gần 3ha chè kinh doanh. Để tăng hiệu quả của cây chè, trong nhưng năm gần đây, xã đang tập trung vào cải tạo những vườn chè già cỗi bằng những giống chè cành mới như: LDP1, Shan… đồng thời áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăm sóc và chế biến chè. Đối với diện tích trồng chè trồng mới, các hộ dân sẽ được trợ giá 25% giống chè cành, đồng thời được được tập huấn kỹ thuật chăm sóc và chế biến. Do vậy, diện tích chè cành trồng mới hàng năm của xã đều đạt từ 3 đến 3,5ha. Tính riêng năm 2009, xã đã trồng mới được 3,87 ha chè cành, cải tạo 2,13ha chè già cỗi, tổng diện tích chè cành của xã đạt gần 50ha (chiếm 15% diện tích).

 

Cùng với đó, xã cũng tạo điều kiện thuận lợi về vay vốn để người dân đầu tư máy móc phục vụ sản xuât. Đến nay, 90% số hộ trồng chè đã có các phương tiện sao sấy tại nhà, toàn xã có gần 40 máy cắt chè, 10 máy hái chè. Bà Phạm Thị Thuận, xóm Bản Hóa cho biết: Gia đình tôi chỉ có 3 sào chè nhưng vẫn quyết định đầu tư mua một chiếc máy hái chè trị giá 12 triệu đồng, nhờ đó đã giảm được nhân công thu hái từ 3 đến 5 lần. Ngoài ra, từ làm thuê phục vụ bà con trong xóm gia đình tôi cũng thu từ 500 đến 800 nghìn đồng/ lứa. Gia ông Trần Văn Hà, xóm Song Thái 3 có trên 7.000 m2 chè nhưng ông cũng quyết định đầu tư toàn bộ máy móc cho chăm sóc và chế biến chè tại nhà trị với tổng giá trị trên 30 triệu đồng. Do vậy,ông vừa giảm được công lao động, đồng thời giá bán chè của gia đình luôn cao hơn những hộ xung quanh từ 3 đến 5 nghìn đồng/kg chè khô. Ngoài chế biến tại nhà, khoảng 30% sản lượng chè tươi của xã được tiêu thu tại Nhà máy Chế biến chè Bình Yên (xã Bình Yên). Năm 2009 sản lượng chè của xã đạt 2.655 tấn búp tươi với giá trị gần 8 tỷ đồng.

 

Bên cạnh cây chè, trong những năm qua Điềm Mặc cũng đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc dựa trên lợi thế của xã về điều kiện chăn thả tự nhiên. Chăn nuôi gia súc lớn của xã đã được phát triển từ lâu ở 7 xóm phía Tây Nam của xã, dọc theo khu vực đồi núi giáp ranh của xã với huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Từ Đồng Lá, Bản Bắc đến Bình Nguyên là những vùng đồi bát ngát rất thuận lợi cho chăn thả tự nhiên, tại đây đã hình thành 7 trang trại chăn nuôi gia súc có quy mô từ 30 đến 50 con. Ông Phạm Văn Chiến, xóm Đồng Vịnh cho biết: Hiện trang trại của gia đình tôi có 45 con gia súc gồm: 30 con bò, 11 con trâu và 4 con ngựa, nhờ điều kiện chăn thả thuận lợi nên đàn gia súc của tôi phát triển tốt, ít dịch bệnh. Uớc tính tổng giá trị đàn gia súc của ông Chiến hiện nay lên tới vài trăm triệu đồng. Dự án hỗ trợ chăn nuôi gia súc thuộc Chương trình 135 (triển khai tại xã từ đầu năm 2007) thực sự đã trở thành động lực thúc đẩy chăn nuôi Điềm Mặc. Theo đó, mỗi hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng khi mua bò sinh sản và 250 nghìn đồng cho mỗi sào cỏ cho gia súc.

 

Anh Trần Trung Tý, xóm Bản Nhọ là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ mua bò giống: Năm 2007, từ 1 con bò được hỗ trợ mua ban đầu, nhờ chăm sóc và phòng dịch tốt, bò của anh sinh trưởng và phát triển tốt. Vừa sinh sản và đầu tư mua thêm, đến nay đàn bò của gia đình anh Tý đã phát triển thành 5 con, kết hợp chăn nuôi bò và trồng trọt anh đã thoát nghèo từ cuối năm 2008. Theo thống kê của UBND xã Điềm Mặc: Đến nay, xã đã có gần 40 hộ nghèo được hỗ trợ mua bò sinh sản từ Chương trình 135. Thông qua chương trình và các chính sách khuyến khích chăn nuôi của địa phương, hàng năm đàn gia súc của lớn của xã đều tăng từ 40 đến năm 50 con. Tính đến cuối năm 2009, đàn gia súc lớn của Điềm Mặc đã đạt gần 1200 con với 676 con trâu và 530 con bò.

 

Đẩy mạnh phát triển cây chè và chăn nuôi đại gia súc đã góp phần nâng cao đời sống của người dân Điềm Mặc. Đến cuối năm 2009, toàn xã đã có 115 hộ thuộc diện khá và giầu, 670 hộ trung bình. Ông Đoàn Viết Hưởng cho biết thêm: Trong những năm tới, xã tiếp tục lấy cây chè và chăn nuôi làm mũi nhọn và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để người dân đẩy mạnh sản xuất.