Bước vào năm 2009, trong tâm thế phải căng mình khắc phục khó khăn do tình trạng suy giảm kinh tế trong nước gây ra, nên ban đầu Thái Nguyên dự định đạt giá trị sản xuất công nghiệp bằng và nhỉnh hơn đôi chút so với năm 2008, nhưng với sự nỗ lực của toàn ngành, kết thúc năm 2009, kết quả đạt được lại vượt xa so với định mức đề ra.
Ngay từ những tháng đầu năm 2009, sản xuất công nghiệp (SXCN) của chúng ta đã vấp phải rất nhiều trở ngại. Nhiều doanh nghiệp được xem là “chỗ dựa” quan trọng cho toàn ngành đang phải chống chọi với nguy cơ thiếu việc làm, sản phẩm ứ đọng dẫn tới việc cắt giảm nhân công, hạ thấp tiền lương lao động… Hệ thống các doanh nghiệp dân doanh rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Nhất là các đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thép xây dựng đang phải chịu dư âm của việc rớt giá thép chưa từng có trên thị trường. Trước thực trạng trên, ít ai nghĩ rằng chúng ta có thể hoàn thành kế hoạch đề ra chứ chưa nói đến việc vượt cả chục phần trăm so với năm trước. Tuy nhiên, cùng với sự tác động tích cực của chính sách kích cầu của Chính phủ thông qua hỗ trợ lãi suất cho vay, nguồn cung tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh được nới lỏng, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn đã nỗ lực vươn lên dần vượt qua được khó khăn ngay từ những tháng đầu năm.
Đặc biệt là từ tháng 4/2009, tình hình sản xuất, kinh doanh của các đơn vị đã bắt đầu phục hồi trở lại. Giá trị SXCN trong nội bộ các doanh nghiệp đã tăng cao hơn so với cùng kỳ. Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, đơn vị có tầm ảnh hưởng gần như lớn nhất đối với giá trị SXCN của cả tỉnh, 4 tháng đầu năm cũng đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực: Công ty đã sản xuất, tiêu thụ được trên 182 nghìn tấn thép cán, đạt doanh thu 2.100 tỷ đồng, bằng 33% kế hoạch năm. 6 tháng đầu năm, công ty đã đạt giá trị sản xuất, kinh doanh trên 60% kế hoạch. Đối với Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn, bằng việc tăng cường tiết kiệm chi tiêu, đẩy mạnh sản xuất, 6 tháng đầu năm đơn vị này cũng đã đạt sản lượng 430 triệu KWh điện, đạt 61% kế hoạch đề ra, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, trong 6 tháng đầu năm một loạt các đơn vị sản xuất, kinh doanh khác cũng có sự bứt phá mạnh mẽ như: Công ty xăng dầu Bắc Thái đạt sản lượng 75 nghìn m3/tấn, vượt 12% so với cùng kỳ, đảm bảo việc làm ổn định cho 350 lao động với mức lương 3,2 triệu đồng/người/tháng; Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng tiêu thụ gần 300 nghìn tấn thép cán, đạt doanh thu 2.553 tỷ đồng, vượt 42% so với kế hoạch đề ra; Công ty than Khánh Hòa cũng đạt doanh thu 163 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ… Sơ kết 6 tháng đầu năm, hai trong ba địa phương có giá trị SXCN lớn nhất tỉnh là T.X Sông Công và huyện Phổ Yên cũng đạt được những kết quả trên mong đợi. Huyện Phổ Yên đạt giá trị 615,3 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ; T.X Sông Công đạt 950 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Với những nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp, đơn vị, địa phương trong tỉnh, mặc dù hai tháng đầu năm, giá trị SXCN của chúng ta giảm 2,6% so với cùng kỳ, nhưng đến 6 tháng lại tăng tới 17%. Có thể nói, với khí thế mạnh mẽ đó, kết thúc năm 2009, kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn đều cơ bản về đích sớm. Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên đạt sản lượng trên 550 nghìn tấn, thu lãi 130 tỷ đồng; Công ty nhiệt điện Cao Ngạn đạt trên 700 triệu KWh điện, tăng mức thu nhập bình quân lao động lên 5,6 triệu đồng/người/tháng… Bởi thế, giá trị SXCN của cả tỉnh cũng đạt ở mức cao nhất có thể, với 9.950 tỷ đồng, bằng 102% kế hoạch năm, vượt 13,7% so với năm 2008. Trong đó, hầu hết các lĩnh vực công nghiệp đều tăng so với năm trước như: Công nghiệp trung ương vượt 12,8%; công nghiệp địa phương vượt 11,2%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vượt 46,9%. Hầu hết các mặt hàng chủ lực đều tăng mạnh như: Thép cán các loại tăng 24,1%, xi măng tăng 18,1%, than sạch tăng 15,4%, quần áo may sẵn tăng 9,4%, điện thương phẩm tăng 7,6%...
Sự bứt phá có thể nói là ngoạn mục này phần lớn là từ nội lực của các doanh nghiệp, nhưng một phần không nhỏ cũng do sự vào cuộc tích cực, chung tay tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, các bộ, ngành TW và chính quyền địa phương. Ngay từ những tháng đầu năm, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn tăng cường đôn đốc các doanh nghiệp rà soát, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh sao cho phù hợp với tình hình; triệt để tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào, chi phí gián tiếp, nâng cao năng suất lao động để có thể hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh; xúc tiến tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngành Công thương đã tổ chức nhiều buổi gặp mặt đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các gói kích cầu của Chính phủ, xúc tiến thương mại nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiêu thụ hàng hoá qua chương trình đưa hàng hoá về nông thôn và các khu đô thị. Tăng cường công tác khuyến công, giúp đỡ doanh nghiệp định hướng thị trường…
Ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công thương nhận định: Năm 2010, chắc chắn nền kinh tế sẽ tiếp tục gặp khó khăn, song với kết quả khả quan đạt được trong năm 2009, tin rằng giá trị SXCN trên địa bàn tỉnh có thể đạt ở mức 12.200 tỷ đồng, tăng 22,6% so với năm trước.