Sản xuất nấm và nhu cầu thị trường

10:15, 03/12/2010

Nấm ăn là một loại thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng, nghề trồng nấm có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển vì nguồn nguyên liệu để sản xuất nấm rất dồi dào, không tốn diện tích, đầu tư ít, chu kỳ thời gian thu hoạch ngắn, hiệu quả kinh tế cao, nhưng nghề trồng nấm của nước ta cũng như tỉnh ta chưa tương xứng tiềm năng.

 

Nhu cầu về nấm ăn và nấm dược liệu trên thế giới còn rất lớn, hàng năm trên thị trường tiêu thụ hàng triệu tấn, các nước, lãnh thổ nhập khẩu nhiều là Mỹ, Italia, Austlia, Anh, Ai Len, Đài Loan. Mỗi năm, nước ta xuất khẩu được khoảng vài trăm tấn, khu vực xuất khẩu có sản lượng nấm lớn là đồng bằng Nam bộ, giá bán xuất khẩu tuỳ thuộc vào từng loại nấm và chất lượng nấm với khoảng từ 3-7 USD/kg. Ở nước ta, nấm là một trong những mặt hàng có tỷ trọng, giá trị xuất khẩu cao trong nhóm các mặt hàng thực phẩm rau, củ, quả.

 

Từ tháng 4-2010, tỉnh ta đã xây dựng Đề án phát triển nấm ăn và nấm dược liệu giai đoạn 2010–2015 và tổ chức triển khai thực hiện, xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ giống, thiết bị sản xuất, phương tiện bảo quản, tổ chức tham quan học tập các mô hình trong và ngoài tỉnh, khảo sát thị trường… Theo báo cáo của Hội Nông dân (cơ quan thường trực Đề án sản xuất, tiêu thụ nấm của tỉnh) qua khảo sát, đánh giá đến nay trên địa bàn tỉnh đã có gần 30 đơn vị là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đăng ký sản xuất nấm (Đại Từ, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Sông Công, Định Hoá, T.P Thái Nguyên), một số địa phương đã xây dựng được phương án kế hoạch sản xuất nấm trên địa bàn. Hội Nông dân tỉnh đã mở được 4 lớp với 80 học viên tham gia học nghề sản xuất, chế biến nấm. Công ty CP Nhật Sơn (Phú Lương) đã xây dựng nhà xưởng trên diện tích 7.000m2 và lắp đặt các thiết bị sản xuất, chuẩn bị được 750 tấn nguyên liệu của các loại nấm sò, mộc nhĩ, linh chi để chế biến thành sản phẩm hàng hoá tiêu thụ.  Công ty TNHH Tân Đô xã Hoà Bình (Đồng Hỷ), đã hoàn thành 2 nhà xưởng 2.000 m2 đã tiến hành lắp đặt lò sấy hơi, kho chứa lạnh. Hợp tác xã nấm Hùng Sơn (Đại Từ) đã sản xuất được trên 150 tấn nấm các loại…

 

Theo kế hoạch, dự kiến từ năm 2011-2015, bình quân mỗi năm tỉnh ta sản xuất được khoảng 3 nghìn tấn nấm các loại. Đến năm 2015 đạt tổng sản lượng khoảng 15 nghìn tấn, mở rộng thị trường tiêu thụ trong, ngoài tỉnh và thị trường nước ngoài. Nếu thực hiện tốt Đề án sẽ tạo việc làm ổn định cho khoảng 18 nghìn lao động. Tiềm năng phát triển nghề trồng nấm, tiềm năng thị trường tiêu thụ rất lớn, nhưng đối với người sản xuất, muốn thành công trong nghề trồng nấm cần phải có kiến thức, am hiểu kỹ thuật sản xuất, chế biến, bảo quản và chịu khó học hỏi, tham khảo kinh nghiệm và rất cần ý thức, đức tính lao động  chịu khó, cần mẫn, kiên trì.