Trong những năm gần đây, vụ Đông đã trở thành một trong những vụ sản xuất chính trong năm ở huyện Phổ Yên. Không chỉ bởi vụ này có tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp sử dụng tương đối lớn mà trị giá trên một diện tích đất canh tác đạt được là rất cao. Đặc biệt là đối với những diện tích trồng rau, hoa… trị giá có thể lên tới trên 100 triệu đồng/ha…
Những ngày đầu tháng 12, trên cánh đồng xóm Cẩm Na, xã Đông Cao các loại rau đã bắt đầu cho thu hoạch, nhìn từ xa cánh đồng tựa như một tấm thảm lụa mầu xanh. Đồng chí Dương Văn Hiến, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Vụ Đông năm nay, huyện gieo trồng được gần 4.000ha rau màu, trong đó: trên 1.700ha ngô, trên 600ha rau các loại, khoai lang là 1.100ha, khoai tây là trên 80ha, trên 20ha đậu tương. Nhận thức được tiềm năng trong sản xuất vụ Đông, vài năm trở lại đây huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ để tạo điều kiện gieo trồng các loại cây vụ Đông. Nếu so sánh diện tích cây trồng của năm 2010 với năm 2005 sẽ thấy rõ sự chuyển dịch cơ cấu các loại cây trồng, diện tích khoai lang giảm khoảng 400ha, đậu tương giảm trên 200ha, khoai tây giảm trên 100ha. Thay vào đó, các loại cây có giá trị kinh tế cao được tăng lên: Diện tích ngô tăng thêm gần 300ha, rau các loại tăng gần 50ha…
Ông Trần Trung Thành, xóm Cẩm Na cho biết: Trên cánh đồng này trước đây bà con trong xóm vẫn cấy 2 vụ lúa, vụ này bà con thường trồng khoai lang hoặc có hộ bỏ đất không. Gia đình tôi có 5 sào, trước đây sau vụ lúa mùa, tôi cũng trồng khoai lang, thu nhập đạt khoảng 500 nghìn đồng/sào. Nhưng vài năm trở lại đây, thấy một số hộ trồng rau có hiệu quả, tôi cũng chuyển cả 5 sào đất sang trồng các loại rau: Su hào, bắp cải, cải canh, cải ngọt, xúp lơ, hành… chỉ tính riêng vụ rau Đông tôi đã thu 3 triệu đồng/sào.
Để sản xuất vụ Đông được thuận lợi, huyện đã chỉ đạo bà con chuyển đổi cấy lúa mùa muộn và mùa trung sang lúa mùa sớm, điều này không những hạn chế được sâu bệnh, nâng cao năng suất lúa mà còn giải phóng đất để bà con có thể trồng các loại cây màu đúng khung thời vụ. Từ chỗ hầu hết diện tích lúa mùa của huyện đều là lúa mùa trung và mùa muộn, đến năm 2010, bà con đã chuyển gần 6.000ha sang cấy lúa mùa sớm, mùa trung là gần 784ha, mùa muộn chỉ còn trên 230ha. Chị Nguyễn Thị Tân, xóm Nông Vụ, xã Vạn Phái cho biết: Gia đình tôi có khoảng 6 sào ruộng cấy lúa. Trước đây, trong vụ mùa gia đình tôi chỉ toàn cấy lúa muộn, mấy năm gần đây được tham gia tập huấn khoa học kỹ thuật tại xã, đồng thời cán bộ khuyến nông vận động nên tôi đã chuyển sang cấy lúa mùa sớm. Cứ đầu tháng 6 bắt đầu cấy, đến khoảng 20-9 gặt xong tôi lại trồng ngô và sau khi thu hoạch ngô là có thể cấy lúa Xuân đúng thời vụ. Việc chuyển đổi từ cấy lúa muộn sang cấy lúa sớm không chỉ để giải phóng đất để chuẩn bị tốt cho sản xuất vụ Đông. 6 sào ruộng này trước đây chỉ cấy được 2 vụ rồi bỏ không, nay tôi có thể trồng thêm 1 vụ ngô Đông cho thu nhập thêm khoảng 5 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, cấy lúa sớm vừa hạn chế được sâu bệnh, cây lúa cũng phát triển tốt hơn, nhờ đó năng suất đã tăng khoảng 0,4 tạ/sào so với trước.
Tập trung sản xuất vụ Đông nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập cho người dân, nhưng cái khó nhất là thời tiết khô hanh, ít mưa nên luôn thiếu nước phục vụ sản xuất, trong khi đó hệ thống trạm bơm, kênh mương của huyện chưa đảm bảo để cung cấp nước tưới cho toàn bộ diện tích. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 14 hồ đập và 39 trạm bơm các loại. Để đảm bảo nước tưới cho các loại cây trồng, hằng năm huyện cũng đã có kế hoạch xây dựng, tu sửa các trạm bơm, nạo vét, kiên cố hóa hệ thống kênh mương với tổng kinh phí hàng tỷ đồng. Tính trong năm 2010, huyện đã xây mới và sửa chữa các hàng chục công trình thủy lợi như: Trạm bơm Vân Thượng, Hạ Vụ, Thậm Thình, hồ Bờ Lâm… với tổng trị giá trên 1,8 tỷ đồng. Đặc biệt là đối với những xã có vị trí cách xa hệ thống kênh chính hồ Núi Cốc như: Vạn Phái, Thành Công, Phúc Tân, Phúc Thuận… ngoài việc thay thế, sửa chữa các trạm bơm, máy bơm, huyện còn hỗ trợ thêm tiền điện phục vụ bơm nước tưới cho cây trồng. Nhờ đó diện tích cây vụ Đông của huyện luôn giữ ở mức cao khoảng 4.000ha/tổng số 7.000ha đất canh tác. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thì vụ Đông năm nay năng suất, sản lượng cây vụ Đông đạt được khá cao do huyện đã chủ động được nguồn nước tưới, tình hình sâu bệnh không có gì đặc biệt. Đến thời điểm này, các loại cây trồng đều trong giai đoạn trưởng thành, riêng ngô và rau đã bắt đầu cho thu hoạch, hứa hẹn một vụ gieo trồng đạt hiệu quả.