Trong những năm gần đây, nhận thức về rừng và vai trò của kinh tế đồi rừng trong đồng bào miền núi, vùng sâu vùng xa đã có nhiều thay đổi tích cực. Không còn cảnh hễ cứ hết gạo ăn là bà con lại cầm dao, đeo gùi vào rừng để khai thác, tận thu gỗ và lâm sản. Thông qua các buổi tuyên truyền, các chương trình hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng phủ xanh đất trống và nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng, từ đó đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Xã vùng cao Lam Vỹ (Định Hóa) là một trong những địa phương như vậy.
Lam Vỹ là một trong những xã xa nhất của huyện Định Hoá, nơi đây là địa bàn cư trú của 980 gia đình với 4.200 nhân khẩu, gồm 7 dân tộc anh em: Tày, Kinh, Sán Chí, Dao, Nùng, Thái và Mông. Khoảng 10 năm về trước, bà con trong xã vẫn chỉ chú trọng khai thác lợi ích kinh tế từ rừng mà không quan tâm đến việc trồng và bảo vệ. Khi có chính sách giao đất, giao rừng, nhiều người dân e ngại không dám nhận đất bởi phải đóng thuế, trong khi trồng rừng lại thiếu vốn và kỹ thuật và phải mất từ 5 đến 7 năm mới cho khai thác.
Nhận thức ấy đã từng bước thay đổi khi bà con được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng, hỗ trợ về giống. Những người tiên phong nhận đất ngày càng vững tâm khi của cải của mình là những cánh rừng từng ngày phát triển. Ông Nguyễn Phúc Minh, xóm Nà Làng là một trong số hàng trăm hộ trồng rừng tại xã Lam Vỹ. Từ năm 2002, ông Minh đã trồng gần 3 ha rừng. Đến năm 2010, ông lại tiếp tục trồng thêm hơn 2 ha rừng keo lai nữa. Đầu tư cho nghề rừng theo ông là cách làm ăn phù hợp và hiệu quả bền vững đối với bà con miền núi, vừa cho thu nhập cao, lại ít rủi ro hơn so với các cây trồng, vật nuôi khác, đồng thời bảo vệ mội trường sinh thái.
Bà Nguyễn Thị Huấn, cùng ở xóm Nà Làng chia sẻ: Giờ cứ có đất là không lo đói nữa. Mỗi ha đất đầu tư trồng rừng chỉ mất 1 đến 2 năm đầu chăm sóc vất vả, sau đó chỉ cần phát dọn cây bụi và tỉa thưa, mất từ 5 đến 7 năm là cho khai thác cả trăm m3 gỗ, bán thành tiền cũng được từ 60-80 triệu đồng, hơn hẳn so với cấy lúa và các cây trồng khác. Nhận khoanh nuôi bảo vệ rừng bên cạnh được hỗ trợ về giống, phân bón và kỹ thuật còn được trả công bảo vệ. Từ năm 2007 đến nay, gia đình bà Huấn đã nhận trồng mới gần 40 ha rừng, kết hợp chăn nuôi, trồng trọt và gần chục triệu đồng tiền công từ bảo vệ hơn 40 ha rừng cho gia đình bà tổng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Toàn xã Lam Vỹ có hơn 3.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó hầu hết đã được phủ xanh bởi rừng, hơn 80% số hộ có đất rừng, số hộ có diện tích rừng lớn từ 30-40 ha chiếm tới 10% trong số các hộ có đất rừng, gia đình ít nhất cũng có 1-2 ha. Có thể thấy, sự thay đổi nhận thức về kinh tế đồi rừng của người dân Lam Vỹ xuất phát từ định hướng đúng đắn của Đảng bộ và chính quyền xã. Hàng năm, Đảng bộ xã đều đề ra Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung và ưu tiên vào phát triển kinh tế đồi rừng. Do vậy, từ năm 2005 đến nay, mỗi năm xã Lam Vỹ đều trồng mới trung bình được hơn 120 ha rừng theo Chương trình 661, hàng chục ha rừng sản xuất và cây phân tán. Trong nhiệm kỳ 2011-2015, Đảng bộ xã tiếp tục xác định cơ cấu kinh tế là nông lâm - nghiệp, phấn đấu đưa tỷ trọng của lĩnh vực lâm nghiệp từ 20% (năm 2010) lên 40% vào năm 2015.
Ông Ma Đình Thượng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lam Vỹ cho biết: Xác định kinh tế đồi rừng là thế mạnh của địa phương, trong những năm tới, xã sẽ tiếp tục trồng mới, phấn đấu đạt tỷ lệ che phủ rừng lên trên 75% vào năm 2015. Chú trọng tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn người dân phát triển các cây trồng ngắn ngày như: Sắn, gừng, giềng để kết hợp với vườn rừng, phát triển hệ thống giao thông để thuận tiện cho việc khai thác, vận chuyển lâm sản, từ đó nâng cao giá trị của rừng hơn nữa. Xã hội hóa nghề rừng đã tạo bước chuyển biến tích cực trong đời sống của người dân Lam Vỹ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 42,4% (năm 2006) xuống còn 26,2% (năm 2010). Phát triển kinh tế đồi rừng là định hướng đúng đắn trên cơ sở phát huy những tiềm năng và thế mạnh địa phương.