Ngày 25/12, tại UBND huyện Phú Lương, Hội Nông dân (HND) tỉnh đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 6 tháng thực hiện Đề án tổ chức, sản xuất, tiêu thụ nấm ăn và nấm dược liệu tỉnh năm 2010.
Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Đặng Viết Thuần, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án; Đinh Xuân Linh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Viện di truyền Việt Nam, lãnh đạo UBND, HND các huyện, thành, thị và các doanh nghiệp, cá nhân tham gia Đề án.
Thực hiện Quyết định số 942/QĐ-UBND ngày 27/4/2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án tổ chức sản xuất và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu, HND tỉnh đã tiến hành khảo sát, chọn đơn vị tham gia. Qua khảo sát, HND tỉnh đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo Đề án tổ chức Hội nghị triển khai Đề án, thông qua kế hoạch phát triển nấm vào ngày 9/7/2010, ngay sau đó tổ chức tham quan, học tập mô hình sản xuất nấm trong và ngoài tỉnh cho các cán bộ, hội viên nông dân, đồng thời tổ chức 5 lớp đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật sản xuất nấm ăn cho các đơn vị và 100 cá nhân tham gia Đề án.
Cùng với đó, HND tỉnh đã phối hợp cùng Sở Tài chính tổ chức thẩm định thực tế và tiến hành hỗ trợ giống nấm, máy móc, thiết bị sản xuất nấm và các hỗ trợ vốn đầu tư thiết bị khác với tổng số tiền trên 900 triệu đồng cho các đơn vị, cá nhân tham gia.
Kết quả, sau 6 tháng triển khai và chỉ đạo thực hiện Đề án, trên địa bàn tỉnh đã có 10 đơn vị tham gia (trong đó có 3 doanh nghiệp, 2 hợp tác xã đã sản xuất có sản phẩm còn lại 5 đơn vị đang đầu tư xây dựng) với tổng diện tích nhà xưởng là trên 51 nghìn m2 với tổng số vốn đầu tư hơn 18 tỷ đồng.
Hiện các đơn vị sản xuất được 5 loại nấm: nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm, nấm mộc nhĩ, linh chi, sản lượng nấm các loại ước đạt trên 300 tấn, tổng doanh thu trên 5 tỷ đồng. Trong đó có một số doanh nghiệp có quy mô sản lượng nấm đạt cao điển hình như: Công ty Cổ phần Nhật Sơn (xã Động Đạt, Phú Lương), Công ty TNHH XNK Tân Đô (xã Hòa Bình, Đồng Hỷ); HTX nấm Hùng Sơn (Đại Từ)…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về quá trình sản xuất, bảo quản, tiêu thụ nấm trên thị trường; những khó khăn, vướng mắc mà các cá nhân, đơn vị tham gia Đề án gặp phải do thiếu vốn đầu tư và khoa học kỹ thuật, đề nghị các cấp, ngành quan tâm đầu tư, giúp đỡ. Trước đó, các đại biểu đã đi tham quan mô hình sản xuất nấm của Công ty Cổ phần Nhật Sơn ở xóm Cây Châm, xã Động Đạt (Phú Lương).
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đặng Viết Thuần ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của các cá nhân, đơn vị sau 6 tháng thực hiện Đề án tổ chức sản xuất, tiêu thụ nấm ăn và nấm dược liệu năm 2010.
Đồng chí yêu cầu trong thời gian tới các cá nhân, đơn vị phải tăng cường tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, sớm thành lập Hội dành cho những người trồng nấm để nhân rộng, phát triển mô hình sản xuất nấm trong địa bàn tỉnh, đưa sản phẩm nấm Thái Nguyên có thương hiệu trên phạm vi toàn quốc, hướng tới xuất khẩu…